Cục trưởng Cục ATTP: Đưa vào "danh sách đen" nhiều loại thực phẩm chức năng vi phạm

ANTD.VN - Gần đây, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã đưa nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) vào “danh sách đen” do vi phạm về quảng cáo trên một số trang web nhưng doanh nghiệp sản xuất không thừa nhận…

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong

Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP khẳng định, với những sản phẩm đã bị đưa vào “danh sách đen” thì tần suất thanh tra, kiểm tra sẽ nhiều hơn, xử phạt nặng hơn nếu phát hiện sai phạm.

- Thưa ông, hiện nay tình trạng bán hàng đa cấp, bán hàng online trên mạng xã hội với các mặt hàng là TPCN rất phổ biến và thường là quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước có quản lý được lĩnh vực này?

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong: Nguyên tắc đối với TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là trước khi lưu thông ra thị trường đều phải được thẩm định về mặt an toàn, công dụng sản phẩm.

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng bán hàng online nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ý với các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là lưu hành sản phẩm bất hợp pháp.

Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo. Nhiều người tham gia vào quảng cáo này cũng không hiểu biết hết các quy định của pháp luật nên vô hình chung thành tiếp tay cho sai phạm.

Từ quá trình thanh tra, kiểm tra cũng như thông tin báo chí phản ánh, Cục ATTP đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm như vậy.

- Qua theo dõi của chúng tôi, số trường hợp là cá nhân, tổ chức quảng cáo TPCN trên mạng xã hội bị xử phạt rất hiếm. Thậm chí nhiều trang web quảng cáo sai phạm đã bị xử phạt, yêu cầu gỡ nội dung nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo. Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh?

Đúng là thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều nội dung quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội hoàn toàn là sai sự thật. Đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân.

Không chỉ quảng cáo qua mạng, website, nhiều công ty, cá nhân còn tổ chức tư vấn sản phẩm TPCN qua điện thoại. Trên thì họ ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra nhiều người không có kiến thức gì về dinh dưỡng, sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp đại học cũng đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ để tư vấn TPCN.

Cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ buôn bán thực phẩm chức năng "rởm"

Mới đây, Cục ATTP đã thành lập 5 đoàn thanh tra, hiện các đoàn đang đi thanh tra tại các địa phương, tập trung vào các nội dung: thanh tra các sản phẩm TPCN xem có đăng ký bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm hay không, đặc biệt là tập trung vào quảng cáo TPCN.

Riêng về quảng cáo, chúng tôi đã phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin & Truyền thông để công khai thông tin về các sản phẩm vi phạm, các trang web quảng cáo sản phẩm sai phạm, đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc. Vài tháng nay, đã xử phạt với số tiền phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị chúng tôi phát hiện quảng cáo TPCN trên trang web này, trạng mạng xã hội kia có vi phạm, nhưng khi mời lên làm việc thì họ không thừa nhận mình có quảng cáo sản phẩm trên các trang web đó, hoặc chối rằng website, mạng xã hội bị phát hiện sai phạm không phải là của công ty mình...

Việc quản lý các website, mạng xã hội không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế nên Cục ATTP đôn đốc, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu các doanh nghiệp, website quảng cáo TPCN sai phạm phải gỡ bỏ nội dung quảng cáo không đúng… Còn việc họ có thực hiện hay không lại là chuyện khác.

- Vậy với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP, Cục ATTP có các biện pháp gì khác ngoài thanh tra, kiểm tra và kiến nghị xử phạt?

Bên cạnh các biện pháp xử phạt chính theo đúng quy định pháp luật, hàng tuần chúng tôi sẽ công khai tên các doanh nghiệp, các sản phẩm, các website quảng cáo TPCN không đúng nội dung được cấp phép quảng cáo trên website của Cục ATTP và các phương tiện thông tin báo chí để cảnh báo tới người tiêu dùng.

Đặc biệt, với những sản phẩm TPCN bị phát hiện có sai phạm về quảng cáo trên một số website, mạng xã hội nhưng doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó không thừa nhận, Cục ATTP sẽ đưa các sản phẩm vi phạm này vào “danh sách đen”.

Với những sản phẩm đã bị đưa vào “danh sách đen” thì sẽ bị lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, sẽ bị thanh tra, kiểm tra với tần suất nhiều hơn và khi phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nặng hơn.

Tôi cho rằng, ngoài chuyện phạt tiền, thu hồi bản công bố sản phẩm…, thì việc công khai tên các cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm cùng các hình phạt bổ sung như trên sẽ có hiệu quả rất lớn, thậm chí có khi hiệu quả còn cao hơn xử phạt hành chính bởi không ít doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền phạt rồi lại vi phạm.

Xin cảm ơn ông!