Cục Thuế Hà Nội: Đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong suốt 30 năm qua, Cục Thuế Hà Nội liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao với số thu năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng thu ngân sách hàng năm cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Từ đó góp phần ổn định trật tự an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và tăng đầu tư phát triển trên địa bàn Thủ đô.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 10/9/1945 Chính phủ đã ban hành sắc lệnh số 27/SL thành lập ngành Thuế trực thuộc Bộ Tài chính.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển ngành Thuế đã từng bước trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình phát triển, cơ cấu tổ chức bộ máy ngành Thuế thay đổi thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn. Cuối năm 1990, hệ thống thuế được kiện toàn và Nhà nước bắt đầu thực hiện cuộc cải cách thuế bước một - Thực hiện chính sách thuế mới gắn liền với tổ chức lại hệ thống quản lý thuế với các nội dung cơ bản là thực hiện thống nhất chính sách thuế đối với các thành phần kinh tế, từng bước hoàn thiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Thủ đô

Cùng với sự hình thành chính sách thuế mới, sự ra đời của Cục Thuế TP Hà Nội là một tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế trong cơ chế mới.

Những ngày đầu thành lập Cục Thuế Hà Nội (01/10/1990) do khủng hoảng kinh tế nên nguồn thu không đủ đáp ứng nhu cầu chi, nhất là chi cho đầu tư xây dựng cơ bản và chi cho sự phát triển kinh tế. Từ năm 1991, khi nền kinh tế dần ổn định cùng với việc hoàn thiện các chính sách thuế, tài chính cộng với sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính nói chung, Cục Thuế Hà Nội nói riêng nên nguồn thu ngân sách Thành phố không ngừng tăng lên cả ở khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, thường xuyên đóng khoảng 20 – 22% tổng thu ngân sách cả nước.

Năm 1992 tổng thu nội địa trên địa bàn được 3.328 tỷ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ năm 1991. Đến năm 1995 số thu lên 6.640 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm 1991.

Đặc biệt, năm 2009, mặc dù thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội theo đó các chính sách ưu đãi miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đã làm giảm thu của Hà Nội khoảng 3.900 tỷ đồng; trong khi đó, nhiệm vụ thu NS được giao tăng 21% so dự toán 2008. Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách của Thành phố vẫn đạt khá, được 75.099 tỷ đồng, đạt 121% dự toán năm và tăng 19% so cùng kỳ.

Tập thể Lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
Tập thể Lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Năm 2011, là năm đầu tiên Cục Thuế Hà Nội có số thu vượt ngưỡng 100 nghìn tỷ đồng (116.897 tỷ). Đến năm 2019, tổng thu ngân sách thực hiện là 252.179 tỷ, đạt 102,6% dự toán, tăng 14,9% so với cùng kỳ, gấp 3,4 lần so 10 năm trước (2009).

Riêng năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến hầu hết các ngành nghề bị sụt giảm về doanh thu, số thuế phát sinh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với kết quả cao nhất.

Nỗ lực trong triển khai cải cách

Song song với nhiệm vụ thu ngân sách, công tác cải cách - hiện đại hóa luôn là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của Cục Thuế Hà Nội. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn nội dung cải cách – hiện đại hóa cũng khác nhau.

Giai đoạn 1991-2000 cải cách thuế bước một - Thực hiện chính sách thuế mới gắn liền với tổ chức lại hệ thống quản lý thuế. Giai đoạn 2001-2010 - Thực hiện công cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc, triệt để cả về thể chế, cơ sở vật chất, phương thức và con người quản lý.

Giai đoạn 2011-2020 – Cải cách thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao...

Trong đó, xác định công cuộc cải cách phải lấy lực lượng cán bộ làm nòng cốt, Cục Thuế Hà Nội đã luôn chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức. Nhờ vậy, đến nay số cán bộ có trình độ đại học trở lên đạt trên 92%, vượt xa so với 30 năm trước đây; Nhiều cán bộ công chức có trình độ thạc sỹ, có 2 - 3 bằng đại học chuyên ngành, ngoại ngữ và tin học...

Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội gắn biển thành lập Chi cục Thuế khu vực Thường Tín - Phú Xuyên (hợp nhất Chi cục Thuế huyện Thường Tín và Chi cục Thuế huyện Phú Xuyên)
Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội gắn biển thành lập Chi cục Thuế khu vực Thường Tín - Phú Xuyên (hợp nhất Chi cục Thuế huyện Thường Tín và Chi cục Thuế huyện Phú Xuyên)

Cục Thuế Hà Nội cũng tập trung cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính thuế (TTHC). Theo đó, lấy sự hài lòng của người nộp thuế (NNT), của nhân dân là mục tiêu chính để cải cách TTHC; Chuyển từ hành chính quản lý thuế sang hành chính phục vụ một cách thực chất; Thường xuyên rà soát, đánh giá lại toàn bộ các TTHC thuế, các bước công việc trong các quy trình quản lý thuế để tiếp tục tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hoá TTHC theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp pháp luật hiện hành và xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho người nộp thuế.

Kết quả, trong 288 thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, đã có 102 thủ tục được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Cục Thuế Hà Nội đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các bước, các khâu trong công tác quản lý thuế, công khai minh bạch, đơn giản hoá TTHC thuế... để hỗ trợ, tạo điều kiện ngay từ ngày đầu khởi nghiệp cũng như trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ năm 2017, việc đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp và cấp mã số doanh nghiệp tự động được thực hiện trong thời gian không quá 30 phút, chỉ bằng 12,5% thời gian so với quy định là 4 tiếng đồng hồ. Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng, hiệu quả khai thuế qua mạng với kết quả trên 98% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng và trên 96% số tiền thuế nộp theo phương thức điện tử đã giảm thời gian, chi phí cho NNT và cho cả cơ quan thuế trong kê khai, nộp thuế.

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP Hà Nội còn triển khai tích cực, có hiệu quả nhiều để án, chương trình thí điểm về cải cách, hiện đại hoá của UBND TP, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế như: Hóa đơn điện tử (phấn đầu trước 01/10/2020 đạt tỷ lệ 100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử; biên lai điện tử; hoàn thuế điện tử; vận hành ứng dụng khai thuế GTGT, TNCN điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân... Vận hành quản lý tốt hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) và phần mềm quản trị công việc (V-office).

Để công cuộc cải cách vận hành đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, có trọng tâm trọng điểm, sát hợp với yêu cầu của từng đơn vị. Tập trung hiện đại hóa các trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quy trình quản lý thuế. Trên cơ sở đó xây dựng mạng diện rộng, tăng cường trao đổi thông tin với các ngành có liên quan, giữa các bộ phận để nắm bắt thông tin kịp thời phục vụ cho quản lý thu thuế hiệu quả hơn.

Ghi nhận những đóng góp của Cục Thuế TP Hà Nội, Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2014), Huân chương độc lập hạng Ba (2010), 02 Huân chương Lao động hạng nhất (2005 Cục Thuế Hà Nội, 2004 Cục Thuế Hà Tây), 02 Huân chương Lao động hạng Nhì (1999 Cục Thuế Hà Nội, 1998 Cục Thuế Hà Tây), 02 Huân chương Lao động hạng Ba (1993 Cục Thuế Hà Nội, 1995 Cục Thuế Hà Tây)... và nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế.