"Cục nợ" còn nằm ở VAMC, nhiều ngân hàng vẫn "ôm" lãi ảo

ANTD.VN - Dù con số lợi nhuận trên báo cáo tài chính của các ngân hàng đều rất đẹp trong năm nay, nhưng với việc vẫn còn khoản nợ lớn tại VAMC thì một phần không nhỏ của những con số này vẫn chỉ là “lãi ảo”.

Lợi nhuận lớn, nhưng “lãi ảo” còn nhiều

Từ tháng 10/2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bắt đầu mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhờ vậy, đến năm 2015, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước chỉ còn 2,7%, từ mức 17,21% hồi tháng 9/2012.

Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu báo cáo lợi nhuận đầy khả quan. Tuy nhiên, một phần không nhỏ lợi nhuận được công bố tại các nhà băng thực chất là “lãi ảo”. Bởi vì khi mua lại nợ xấu của các ngân hàng, VAMC sẽ phát hành trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, qua đó, các ngân hàng được giãn trích lập dự phòng trải đều qua từng năm kỳ hạn trái phiếu.

Như vậy, thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro 50% hay100% ngay cho những khoản nợ xấu (tùy mức độ quá hạn của những món nợ), thì ngân hàng sẽ được hưởng cơ chế trích lập dự phòng rải ra trong 5 năm, mỗi năm 20%.

Với cơ chế này, có những khoản lãi lẽ ra phải trích lập dự phòng rủi ro sẽ được tính vào lợi nhuận. Đây được coi là “lãi ảo” của không ít ngân hàng.

Hiện thống kê trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 của 24 ngân hàng đã công bố cho thấy, tổng giá trị số trái phiếu VAMC đang nắm giữ là hơn 126.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dự phòng rủi ro của các ngân hàng cho số trái phiếu này chỉ chưa đến 22% tổng giá trị trái phiếu.

Con số trên cho thấy, dù 2018 là một năm hầu hết các ngân hàng đều đạt kỷ lục lợi nhuận nhưng những con số đẹp trên báo cáo tài chính chưa hẳn đã làm các ngân hàng “yên lòng”.

Đó là còn chưa kể một lượng không nhỏ nợ xấu của các ngân hàng tại VAMC sắp quay trở lại các nhà băng khi thời hạn 5 năm của trái phiếu đặc biệt sắp hết.

Bán nợ xấu cho VAMC giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro

Trong khi đó, thực tế cho thấy công cuộc xử lý nợ xấu tại VAMC cũng gặp rất nhiều khó khăn và chưa được như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, nhiều ngân hàng có xu hướng mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này.

Còn nắm trái phiếu VAMC, sẽ không chia cổ tức tiền mặt?

Tính đến cuối năm 2018, đã có 5 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC, đó là Vietcombank, Techcombank, VIB, OCB, MBBank. Nhiều ngân hàng khác cũng đang lên kế hoạch mua lại nợ xấu từ VAMC.

Theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của BIDV, ngân hàng này cho biết sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ đã bán cho VAMC và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay.

VPBank cũng cho hay, ngân hàng muốn tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm nay, hiện đang ở mức 3.160 tỷ đồng. Với mục tiêu này, VPBank đã đưa ra mục tiêu lợi nhuận ở mức khiêm tốn, 9.500 tỷ đồng đồng, tức chỉ tăng 3% so với năm 2018.

Tương tự, TPBank cũng muốn mua lại toàn bộ hoặc một phần trái phiếu VAMC trong năm nay, tùy theo số vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Kienlongbank cũng mạnh dạn đặt mục tiêu tất toán toàn bộ 100% trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC trước ngày 31/12/2019… Eximbank cũng muốn mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020.

Việc mua lại nợ xấu của VAMC, như đã nói ở trên, sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nợ xấu nội bảng của ngân hàng cũng phải ở mức thấp và có phần lợi nhuận đủ dồi dào để trích lập dự phòng rủi ro của các khoản nợ nhận về.

Việc trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng bị “bào mòn” những năm trở lại đây.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN.

Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là quy định các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.

Nếu dự thảo được thông qua, cổ đông của nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục “dài cổ” chờ cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quy định trên là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu.