Cục nghệ thuật biểu diễn lên tiếng việc 40 nhạc sĩ ký đơn “tố”

ANTĐ - Câu chuyện bản quyền âm nhạc đã được nói đến từ rất lâu. Thực tế đã có nhiều cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề này. Song, tuần qua, dư luận đã thực sự nóng lên khi có tới 40 nhạc sĩ đồng loạt ký đơn “tố” Cục NTBD đã không bảo vệ quyền lợi của họ vì cấp phép cho các đơn vị tổ chức biểu diễn mà không cần quan tâm đến việc thực hiện nghĩa vụ bản quyền đối với các tác giả.

Các nhạc sĩ cho rằng họ không thu được tiền tác quyền vì Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ yêu cầu nhà tổ chức cam kết thực hiện Luật sở hữu trí tuệ khi nộp đơn xin cấp phép, nhưng sau khi nhận được giấy phép nhà tổ chức thường “quỵt” luôn tiền tác quyền. Chính vì vậy các nhạc sĩ đề nghị Cục NTBD phải coi vấn đề tác quyền như một điều kiện để cấp phép cho một chương trình nghệ thuật, buộc các đơn vị tổ chức phải chứng minh là mình đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền đối với các tác giả mà tác phẩm của họ có trong danh mục biểu diễn. Nghĩa là đơn vị tổ chức biểu diễn có giấy phép của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thì mới được  cấp phép biểu diễn.

Tuy nhiên, về phía Cục NTBD lại cho rằng đó là quan hệ dân sự giữa nhạc sĩ với đơn vị tổ chức. Ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Cấp phép Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định  Cục đã làm rất chặt chẽ  việc hướng dẫn các đơn vị tổ chức phải nộp tiền cho Trung tâm bản quyền. Cục chỉ có trách nhiệm quản lý nội dung chương trình biểu diễn còn bản quyền của tác phẩm thì thuộc quan hệ dân sự và không thuộc trách nhiệm quản lý của Cục. Ông Nhân cũng cho rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn không thể thay công việc của cơ quan khác là quản lý và thu tiền tác quyền.

Bảo vệ quan điểm của ông Trưởng phòng cấp phép, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng: “Các nhạc sĩ chưa hiểu hết chức năng nhiệm vụ và nhầm lẫn về công việc của Cục. Các nhạc sĩ cũng chưa hiểu hết quyền sở hữu trí tuệ. Họ yêu cầu chúng tôi can thiệp về những việc quan hệ dân sự như việc tranh chấp bản quyền. Theo ông Vương Duy Biên Quy chế tổ chức biểu diễn nội dung yêu cầu các đơn vị tổ chức biểu diễn, các nghệ sĩ biểu diễn, diễn viên thực hiện đúng nội dung chương trình đã được cấp phép và quy định trong quy chế biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và luật sở hữu trí tuệ đã ban hành. Nhưng quy chế không yêu cầu đơn vị tổ chức phải có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền trong hồ sơ xin cấp phép vì thế Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng không bắt họ thực hiện điều đó. Và nếu như đơn vị tổ chức biểu diễn làm sai quy định về bản quyền thì đương nhiên họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước các nhạc sĩ.

Hiện tại, các đơn vị có thẩm quyền cấp phép đều đang áp dụng đúng những quy định này. Cục Nghệ thuật Biểu diễn là cơ quan quản lý cấp phép tổ chức cho các chương trình nghệ thuật biểu diễn, gồm nhiều lĩnh vực liên quan như quyền tác giả, biên đạo, ánh sáng, âm thanh, đạo diễn, nhạc sĩ… và việc bảo vệ quyền âm nhạc chỉ nằm một trong số những quyền đó. Bản quyền âm nhạc là thỏa thuận dân sự giữa các đơn vị tổ chức với các tác giả âm nhạc. Các hồ sơ xin cấp phép cho các đơn vị tổ chức biểu diễn, cơ quan quản lý phải xem xét đến nhiều quyền liên quan khác mà quyền với tác giả chỉ là một phần nhỏ. Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng Cục không thể đòi hỏi các đơn vị tổ chức phải trả tiền tác quyền cho các tác giả rồi mới cấp phép. Cục chỉ yêu cầu đơn vị  tổ chức sau khi tiếp nhận giấy phép đồng ý có trách nhiệm đóng tiền tác quyền.

Thực tế, tại Việt Nam, việc thực hiện bản quyền âm nhạc đối với các nhạc sĩ thường bị các đơn vị tổ chức chương trình… bỏ qua. Lâu nay, rắt nhiều nhạc sĩ lên tiếng về việc mình bị xâm phạm bản quyền một cách thô bạo. Các ca sĩ hát cứ hát, chương trình biểu diễn cứ biểu diễn,  không một thông báo với các nhạc sĩ, chỉ đến khi xem chương trình thì mới biết “quyền” đối với tác phẩm của mình bị xâm hại. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam cũng đã tồn tại và vẫn đang hoạt động, nhưng rõ ràng việc bảo vệ tác quyền vẫn không mấy hiệu quả. Câu chuyện mà tập thể các nhạc sĩ cùng ký đơn yêu cầu Cục NTBD yêu cầu các đơn vị tổ chức biểu diễn thực hiện nghĩa vụ bản quyền đối với tác giả cho thấy đã đến lúc cần phải có những quy định chặt chẽ hơn đối với các đơn vị tổ chức chương trình để họ thực hiện nghĩa vụ với các tác giả. Mà việc bổ sung điều kiện cấp phép đối với đơn vị tổ chức thực hiện nghĩa vụ tác quyền là việc nên làm và cũng không khó làm. Các nhà làm luật cũng như các cơ quan quản lý cần tính tới điều này để việc thực thi pháp luật về tác quyền được thực hiện nghiêm túc hơn.

Đêm nhạc “Ru tình” vẫn có thể biểu diễn

Ở một động thái khác, bà Trịnh Vĩnh Trinh là người đại diện của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi đơn tới Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và nhiều cơ quan ban nghành khác khẳng định rằng đêm nhạc “Ru tình” dự kiến tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 7-8 tháng 3 là không thực hiện tác quyền với gia đình bà và yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn rút giấy phép. Trở lời về vấn đề này, ông Vương Duy Biên cho biết: “Cục cấp giấy phép cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam là đúng pháp luật. Trách nhiệm thuộc về người đang có quyền sở hữu tác phẩm. Trong trường hợp này, mới chỉ phát hiện ra 2 hợp đồng được bà Trinh ký ủy thác về tác quyền, nếu bà Trinh ký nhiều hợp đồng hơn thì sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân, chịu ảnh hưởng và thiệt hại vì điều này. Chúng tôi cũng không thể rút giấy phép của Liên đoàn Xiếc Việt Nam theo ý bà Trịnh Vĩnh Trinh. Các bên liên quan nên ngồi lại với nhau để tìm giải pháp, và tốt nhất nên để hai đơn vị cùng tổ chức đêm nhạc để khán giả có thêm cơ hội thưởng thức, vì nhạc Trịnh là âm nhạc của mọi người”.