Cửa hàng xăng dầu nội thành Hà Nội: Nếu áp chuẩn, sẽ đóng cửa hàng loạt

ANTĐ - Ngày 14-11, UBND TP Hà Nội đã có kiến nghị gửi hàng loạt các bộ, ngành liên quan đề nghị cho phép Hà Nội ban hành tiêu chí đặc thù cho phép sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố.

Sẽ phải đóng cửa hàng loạt cây xăng nếu “áp” đúng quy chuẩn xây dựng

Chỉ 62/441 cửa hàng đạt chuẩn

Kết quả kiểm tra cho thấy, nếu căn cứ vào các tiêu chí, tiêu chuẩn về an toàn PCCC, an toàn giao thông, an ninh trật tự... trong tổng số 441 cửa hàng xăng dầu (CHXD) được kiểm tra (gồm 350 CHXD thuộc các huyện, thị xã và 91 CHXD thuộc 10 quận nội thành), số CHXD đảm bảo các điều kiện để kinh doanh chỉ có 62. Số phải khắc phục một số điều kiện để được kinh doanh là 355. Số cần phải di chuyển, dỡ bỏ do không đủ điều kiện là 12 và 2 cửa hàng được tồn tại đến tháng 5-2014 sẽ giải tỏa theo dự án khác.

Đa số các CHXD, nhất là trong nội thành đều không đáp ứng được quy định về khoảng cách từ tâm cột bơm đến chỉ giới đường đỏ (48 cửa hàng) hoặc không đảm bảo khoảng cách đến chân các công trình công cộng và dân dụng (75) hoặc không đảm bảo khoảng cách đến giao lộ (34) hoặc nằm trong hành lang bảo vệ cầu, đường dẫn lên cầu (20).... Hầu hết các cửa hàng nằm trong nội thành có diện tích nhỏ hẹp (dưới 300m2) và không còn đất để mở rộng cải tạo. 

Theo UBND TP, các cửa hàng trong nội thành được xây dựng đã lâu (từ 15 đến 20 năm), trước khi có quy chuẩn về xây dựng CHXD. Do hạn chế về quỹ đất cũng như các tiêu chuẩn quy định ngặt nghèo đối với CHXD nên tại các quận nội thành quy hoạch rất ít cửa hàng xây dựng mới. Trong 6 năm (2010 – 2015), 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ xây dựng mới... 1 cửa hàng! Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ trong khu vực nội thành hiện chiếm khoảng 50% tổng số lượng tiêu thụ xăng dầu trên toàn thành phố.

Cần cơ chế đặc thù

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Lê Hồng Thăng cho biết, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn khoảng 1,5 triệu m3/năm. Dự báo, từ nay tới năm 2020, con số này sẽ tăng tối thiểu 6% đến 8% mỗi năm. Đến năm 2020, sẽ đạt giá trị 2.668.000m3/năm. Do vậy, việc xây dựng thêm mới và nâng cấp, cải tạo các CHXD hiện có là tất yếu để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phát triến kinh tế xã hội của Thủ đô. 

Song Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, nếu áp dụng đúng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, sẽ buộc phải di dời, giải tỏa một lượng lớn các CHXD trong khu vực nội thành. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng năng lượng phục vụ nhu cầu giao thông, đi lại của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Từ thực tế tình hình hết sức khó khăn của Hà Nội, UBND TP kiến nghị cho phép áp dụng tiêu chí đặc thù khi xây dựng, sửa chữa CHXD. Đơn cử, TP kiến nghị chấp nhận CHXD cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 3m (tính từ tâm cột bơm, bể chứa gần nhất). Về diện tích xây dựng CHXD, TP đề nghị cho tồn tại theo hiện trạng thực tế sử dụng. Các cửa hàng này được phép sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại trên khuôn viên hiện có. Khoảng cách an toàn từ tâm cột bơm của cửa hàng đến chân các công trình công cộng tụ họp đông người (trường học, bệnh viện, triển lãm, trung tâm thương mại) tối thiểu là 25m. Trường hợp cửa hàng có lắp hệ thống thu hồi hơi xăng dầu sẽ được giảm 30% khoảng cách theo quy định (còn 17m). Các cửa hàng trong nội thành được bám các tuyến đường có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 7m...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: “Nếu được áp dụng các tiêu chí đặc thù, UBND TP sẽ giải quyết được những vướng mắc trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân”.