Cửa hàng hiện đại, “hại” túi tiền

ANTĐ - Đó là thực tế đang diễn ra tại không ít siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại… Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là một trong những vấn đề mấu chốt cần giải quyết khi mở rộng xây dựng thêm nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại.

Cửa hàng hiện đại, “hại” túi tiền ảnh 1
Khẩu hiệu “Giá rẻ cho mọi nhà” của BigC luôn thu hút khách hàng (ảnh minh hoạ) 

Dạo chơi trong… siêu thị

Hấp dẫn khách hàng ở cách bài trí hàng hoá đẹp, sạch sẽ, mát mẻ và tiện dụng với hàng nghìn mặt hàng cho người tiêu dùng lựa chọn song nhiều người tiêu dùng Việt Nam chỉ đến siêu thị để xem chơi hay chống nóng thay vì mua sắm. “Hầu hết giá các mặt hàng trong siêu thị đều cao hơn chợ truyền thống nên những người dân đô thị có thu nhập trung bình trở xuống xem việc mua hàng trong siêu thị là xa xỉ. Nhiều người đến siêu thị chỉ để xem, ngắm nghía và dạo chơi” - chị Thanh Thuỷ (Quang Trung - Hoàn Kiếm) chia sẻ.

Lâu nay, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội rất băn khoăn về vấn đề này. “Tuy có hàng chục nghìn mặt hàng kinh doanh, song siêu thị hiện nay chưa phải là lực lượng chủ lực về ổn định giá cả hàng hoá thiết yếu trên thị trường bởi đầu vào của siêu thị chưa được cạnh tranh và ổn định. Chuỗi sản xuất, phân phối bán lẻ còn rời rạc, tốn chi phí nên đã đẩy giá lên cao” - ông Phú cho hay.

Phó Tổng giám đốc một siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội đã liệt kê hàng loạt yếu tố khiến giá hàng hoá trong siêu thị cao như: chi phí mặt bằng, cơ sở hạ tầng, đào tạo và lương công nhân cao; hàng hoá đảm bảo chất lượng, được bảo quản tốt hơn; hàng có đóng thuế nên giá bán cao hơn chợ truyền thống. Điều này đúng và hợp lý xong chưa đủ.

Theo tiến sĩ Phạm Hữu Thìn - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhiều cơ sở bán lẻ hiện đại chưa có cơ chế định giá linh hoạt theo biến động thị trường và thời điểm cầu; thời gian dài theo đuổi chính sách bán hàng giá cao. “Nhiều doanh nghiệp bán lẻ còn đưa ra tỷ lệ lãi gộp cao dẫn đến giá bán hàng hoá cao nên chưa thu hút được đông đảo các đối tượng tiêu dùng”. Dẫn chứng cho nhận định này, ông Thìn cho biết, hiện tại nhiều cửa hàng tiện lợi đã được mở trong các khu dân cư nhưng khách hàng có thu nhập trung bình trở lên, giới văn phòng và khách nước ngoài mới tới mua sắm.

Có chuyên gia cho rằng, việc người bán định giá hàng hoá với tâm lý mất vốn lớn đầu tư thì giá thành sản phẩm phải cao, hàng hoá chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng làm mất đi tính “đại chúng” của hệ thống bán lẻ hiện đại. Rồi ngay cả người tiêu dùng cũng “định kiến” cứ đến siêu thị là người giàu cũng khiến người bán khó hạ giá sản phẩm. Quan niệm này cản trở người tiêu dùng tiếp cận với các hình thức mua sắm hiện đại.

 Không cần quá hiện đại

Định hướng phát triển các loại hình tổ chức bán lẻ hiện đại đang được Bộ Công Thương nghiên cứu thực hiện nhưng quan điểm xây dựng là ưu tiên, đẩy mạnh phát triển các loại hình cơ sở bán lẻ hiện đại tại các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu trong đó quy mô và mức độ hiện đại giảm dần theo cấp loại đô thị. Trước mắt, mô hình chuỗi cửa hàng được ưu tiên xem xét vì không gây tác động xấu tới ổn định kinh tế - xã hội và hạn chế ảnh hưởng bất lợi của các loại hình bán lẻ truyền thống. Các chuyên gia kinh tế lưu ý, chất lượng hàng hoá và tiêu chuẩn của các mô hình bán lẻ hiện đại phải được đảm bảo. Trong tương lai, người dân sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với hình thức bán lẻ hiện đại này. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề giá cả vẫn cần được giải quyết để hệ thống bán lẻ hấp dẫn người dân.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, đầu tư cho sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm bớt áp lực giá cả. Tiến sĩ Phạm Hữu Thìn lại đưa ra quan điểm: “Nên có loại hình cửa hàng bán giá rẻ cho người tiêu dùng - cửa hàng dạng nhà kho”. Cửa hàng hội viên dạng nhà kho áp dụng thủ pháp “vận doanh hiệu quả với chi phí thấp” để thu hút và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng có thu nhập thấp ở Việt Nam (hiện lực lượng này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu người tiêu dùng Việt Nam). “Trước mắt không cần thiết đầu tư xây dựng hay nâng cấp, trang bị nội thất cửa hàng quá hiện đại, đắt tiền làm suất đầu tư tăng cao, vừa không phù hợp với mức sống, tập quán mua sắm của đại bộ phận người tiêu dùng dẫn đến khó đạt hiệu quả kinh doanh” - ông Thìn cho biết.