Cứ tư duy "có quyền cho nhà đầu tư cái nọ, cái kia" thì rất khó thành công

ANTD.VN - Trả lời báo chí xung quanh dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sáng nay, 10-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, nhà nước có quyền cho doanh nghiệp làm cái này, cái kia, nhưng nếu không có lợi thì doanh nghiệp có quyền cao nhất là… từ chối.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đang có một làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất lớn. Việc xây dựng Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt chính là cơ hội để chúng ta đón nhận làn sóng đó.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 10-11

-Tại sao cần phải có các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hay còn gọi là các đặc khu kinh tế, việc xây dựng luật về vấn đề này nhằm mục đích gì, thưa Bộ trưởng?

- Xây dựng Luật các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trước hết chúng ta mong muốn tạo ra một “sân chơi” mới, thể lệ mới cho ‘người chơi mới” để đón nhận được làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới vào đầu tư tại nước ta, cạnh tranh trong khuôn khổ hiến pháp.

Chủ trương của Đảng đã có, Hiến pháp cũng đã có quy định, giờ nhiệm vụ của chúng ta là luật hoá, để làm sao thành lập được các đặc khu kinh tế, tạo ra những thể chế tốt nhất vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, nhằm cạnh tranh được với khu vực và quốc tế.

Từ đó có thể đón nhận và thu hút làn sóng đầu tư, tạo nên các cực tăng trưởng mạnh mẽ, đột phá, từ đó tạo động lực, sự lôi kéo, lan toả cho cả nền kinh tế trong nước và doanh nghiệp trong nước phát triển.

- Các đặc khu kinh tế cần có tiêu chí gì, đưa lại lợi ích gì cho nền kinh tế đất nước, thưa Bộ trưởng?

- Về kinh tế, các đặc khu kinh tế là những khu kinh tế có vị trí hết sức chiến lược, có lợi thế so sánh để có điều kiện phát triển so với các khu vực khác, có đủ yếu tố để phát triển được.

Trên cơ sở đó, chúng ta tạo ra thể chế mới ở các đặc khu này, lựa chọn các ngành để đầu tư phát triển mạnh phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và phù hợp với xu thế của quốc tế. Ví dụ như ngành dịch vụ, công nghệ cao, y tế giáo dục, vui chơi giải trí, thương mại… Đây là những ngành có giá trị gia tăng cao.

- Được biết nguồn lực tài chính để đầu tư cho các đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt này rất lớn, vậy nguồn vốn đầu tư của ta trong bối cảnh hiện nay có khả thi?

- Khi thành lập các đơn vị này, chúng ta tạo ra một không gian đầu tư, một thể chế cạnh tranh để người ta vào. Từ làm hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đến phát triển các dự án ở đây đều do các nhà đầu tư hết.

Còn nguồn vốn của nhà nước chỉ là tham gia hỗ trợ ban đầu một phần, là “vốn mồi” để hình thành một số cơ sở hạ tầng ban đầu nhằm lôi kéo, thúc đẩy nhà đầu tư. Nếu chúng ta có thể chế tốt, các nhà đầu tư vào sẽ làm hạ tầng, quy hoạch rồi xúc tiến đầu tư, rồi hình thành các dự án theo các định hướng ngành nghề và theo các quy hoạch mà chúng ta đã xác định từ ban đầu.

- Liệu “vốn mồi” của nhà nước có đủ sức để hút doanh nghiệp vào đầu tư? Và làm thế nào để kiểm soát được việc đầu tư của các doanh nghiệp ở các đặc khu kinh tế đặc biệt này theo đúng định hướng của chúng ta?

- Đây là luật rất quan trọng, rất mới. Sự thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của chúng ta. Nếu tư duy của chúng ta không cởi mở, chúng ta chỉ nghĩ nghĩ rằng chúng ta có quyền cho nhà đầu tư cái nọ, cái kia thì khó thành công, bởi nhà đầu tư có một quyền thôi nhưng lại là quyền rất lớn, đó là “quyền không làm”. 

Cho nên, như tôi đã nói là ta phải đồng hành với doanh nghiệp, phải xuất phát từ nhu cầu nhà đầu tư cần thể chế gì, người ta cần cuộc chơi đó với thể lệ nào thì mình phải tiếp cận theo cách đó và mình phải nghiên cứu để xem có thể đáp ứng cho họ ở mức độ nào.

Tất nhiên tạo cơ chế cho doanh nghiệp ở mức độ nào thì phải bàn, phải có thỏa thuận trên cơ sở hai bên cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư. Quan trọng hơn phải dựa trên vấn đề cốt lõi là quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền lợi người dân, môi trường - đây là những vấn đề cốt lõi chúng ta phải giữ và giữ bằng được.