Cử tri mong sớm loại cán bộ tha hóa, biến chất

ANTĐ - Ngày 3-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị ĐBQH TP Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Nội trước thềm kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII. 

Sau khi nghe dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII và nội dung trả lời của các cấp,  ngành về ý kiến tiếp xúc cử tri lần trước, cử tri đã phát biểu gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình tới Quốc hội.

Đề cập vấn đề phòng chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Ngọc Hạc (phường Cống Vị) cho rằng, tham nhũng, lãng phí vẫn còn gây bức xúc lớn trong nhân dân. Nguyên nhân sâu xa từ một bộ phận cán bộ tha hoá, biến chất. “Nhân dân mong muốn Đảng làm mạnh hơn nữa, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới đều không có “vùng cấm”, để loại bỏ những cán bộ đã tha hoá, biến chất” – ông Nguyễn Ngọc Hạc nói.

Đề nghị Quốc làm tốt hơn công tác lập pháp, cử tri Phan Đức Thuyên (phường Kim Mã) phản ánh: “Vừa rồi, có những văn bản pháp luật chưa kịp ra đời đã bị dư luận phản bác và phải rút lại. Đừng để tình trạng văn bản như từ trên trời rơi xuống”.

Điểm ra một số đại án kinh tế vừa được đưa ra xét xử như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ "bầu" Kiên... cử tri Phạm Quy (phường Ngọc Khánh) đề nghị, phải làm nghiêm, kiên quyết, đến nơi đến chốn bất kể là ai để những hoạt động chống tham nhũng có hiệu quả hơn.

Nhắc lại con số 34.000 tỷ đồng dự kiến chi cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà đại diện Bộ GD-ĐT đã nêu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri Nguyễn Cao Đức (phường Điện Biên) không hài lòng: “Bộ GD-ĐT đổi mới giáo dục theo kiểu xây nhà từ nóc. Riêng con số 34.000 tỷ đồng để viết lại sách giáo khoa, tôi thấy không có cơ sở nào cả. Trong khi có nhà giáo uy tín đã nói, nếu giao cho họ làm thì chỉ hết 100 tỷ đồng thôi...”.

Cũng bức xúc không kém về công tác tham mưu của Bộ VH-TT&DL trong việc đăng cai tổ chức ASIAD 18 tại Việt Nam, ông Nguyễn Cao Đức nói: “Phương pháp và cung cách làm việc nói chung là ẩu. Bộ VH-TT&DL ước tính dự chi 150 triệu USD là đủ trong khi rất nhiều chuyên gia nói không thể đủ. Việc này như kiểu cố đấm ăn xôi. Đây là tiền thuế của nhân dân, không thể làm việc tuỳ tiện được... “.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội


Kết thúc cuộc tiếp xúc, thay mặt các ĐBQH ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thu các ý kiến, góp ý tâm huyết, xác đáng của cử tri. Chia sẻ thêm thông tin với cử tri xung quanh hoạt động của Quốc hội và kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư đánh giá, thời quan vừa qua, Quốc hội đã cố gắng cải tiến rất nhiều. Tính công khai, dân chủ rõ hơn. Sinh hoạt Quốc hội giờ đã được toàn dân góp ý kiến. Thời gian họp so với trước cũng đã rút đi nhiều trong khi chương trình làm việc rất nặng, hầu hết là luật khó.

Tiếp thu những ý kiến của cử tri về phòng chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư cho biết, thời gian vừa qua, chúng ta đã làm rất quyết liệt về chống tham nhũng, lãng phí. Song còn quyền lực là còn tham nhũng. Thời nào cũng có, chỉ có ít hay nhiều.

Ghi nhận tâm tư của cử tri, Tổng Bí thư cho biết, vừa qua, cơ quan hữu quan đã khởi tố và đưa ra xét xử rất nhanh một số vụ tham nhũng lớn. Trong đó, có vụ đang xử lại dừng nhưng việc đó là theo quy định của luật. Có những bị can, bị cáo trong quá trình điều tra chưa khai hết. Vừa rồi, có rất nhiều tình tiết ra toà mới khai. Do đó, phải dừng lại để điều tra tiếp. Việc vừa đưa ra xử lại hoãn, lùi đúng là không ai muốn song tình huống buộc phải như thế. Việc đó là luật cho phép.

Tổng Bí thư nói: “Cải cách tư pháp là phải có tranh tụng, có bào chữa tại toà. Đôi bên phải trao đổi để cuối cùng tìm ra chân lý. Phòng ngừa là gốc, nhưng khi đã xảy ra rồi phải xử nghiêm cũng là biện pháp phòng ngừa, để có tính răn đe, ngăn ngừa để đừng xảy ra nữa. Năm ngoái, chúng ta chọn ra 8 vụ án thì giờ đã xử được 4-5 vụ rồi và đang chuẩn bị xử tiếp...”.

Tổng Bí thư cũng đồng ý với cử tri rằng, lãng phí nhiều khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng, bởi nó không đo đếm được. Ông nói: “Chống lãng phí là rất đúng. Chúng ta phải tiếp tục đôn đốc thực hiện và hoàn thiện hơn những cơ chế, chính sách chống lãng phí...”.

Về việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư khẳng định, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm là đúng đắn, cần phải làm. Qua đợt thực hiện vừa rồi, càng thấy đúng đắn. Song, có một số việc qua thực tế cần phải kịp thời rút kinh nghiệm. Tổng Bí thư nói: “Có những nội dung mà chưa làm chưa bộc lộ ra. Vừa rồi làm coi như thí điểm nên cần tổng kết, rút kinh nghiệm”...