Cử tri Anh chọn phương án rời khỏi Liên minh châu Âu

ANTĐ - Người dân Anh đã bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử khi quyết định không nghe theo khuyến cáo của các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền ở nước này.

Những người ủng hộ Anh rời EU tại Sunderland ăn mừng chiến thắng

Đây là thông tin của Đài BBC dựa trên kết quả kiểm phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6, theo đó với 304/382 khu vực được kiểm cho thấy tỷ lệ 51,5/48,5% ủng hộ Anh rời EU.

Quyết định ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit) diễn ra sau cuộc đua sít sao giữa hai phe “ở lại” và “ra đi”, tạo ra cú sốc lớn nhất đối với nền chính trị ở Anh và trên toàn châu Âu trong nhiều thập niên, và sẽ đe dọa sự lãnh đạo của cả Thủ tướng David Cameron và lãnh đạo Công đảng, Jeremy Corbyn.

Kết quả trên sẽ đặt nước Anh vào một con đường bất định và tạo ra bước lùi lớn nhất cho những nỗ lực của châu Âu nhằm đoàn kết mạnh hơn kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Giá trị của đồng Sterling đã sụt giảm mạnh trên thị trường tiền tệ lên tới 9,4% so với đồng USD do các nhà đầu tư lo ngại quyết định rời EU sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, làm dấy lên nghi vấn về vai trò của London như một trung tâm tài chính toàn cầu.

Đồng euro cũng giảm mạnh gần 4% so với đồng USD do lo ngại việc Anh rời EU sẽ làm thiệt hại kinh tế và chính trị rộng lớn hơn đối với liên minh gồm 27 thành viên này. Các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, còn đồng yên tăng mạnh.

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi người dân bỏ phiếu “ở lại”, đồng thời cảnh báo nếu Anh rời khỏi EU, thương mại và đầu tư trong nước sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến một cuộc suy thoái nội tại, khiến đồng bảng Anh suy yếu và tăng giá hóa đơn mua sắm cùng chi phí các kỳ nghỉ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Brexit lập luận nền kinh tế Anh sẽ được giải phóng khỏi nền kinh tế “quan liêu” của EU, cho phép Anh phục hồi chủ quyền và giành lại quyền kiểm soát người nhập cư.

27 đối tác EU của Anh đang lo lắng dõi theo cuộc bỏ phiếu vì sợ sự ra đi của nền kinh tế lớn thứ hai của khối có thể làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của châu Âu, cũng như châm ngòi cho một cuộc “tháo chạy” khỏi tổ chức này.