Cụ thể hóa cải cách tư pháp

ANTĐ - Dự án Luật Giám định tư pháp là nội dung quan trọng, được các ĐBQH sôi nổi thảo luận trong ngày làm việc tại hội trường hôm qua (21-11).

Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (thứ 3 từ trái sang)

trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao

Nhằm chuyên môn hóa, tập trung hóa công tác giám định pháp y cấp tỉnh vào các trung tâm pháp y thuộc cơ quan y tế, một số ĐBQH đề xuất nên bỏ Giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong hệ thống tổ chức giám định tư pháp (GĐTP) về pháp y như quy định hiện hành. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng không nên bỏ lực lượng pháp y tại công an các tỉnh, thành phố. “Giám định pháp y thuộc công an các tỉnh, thành phố là lực lượng được đào tạo cơ bản, có trình độ nghiệp vụ điều tra, bản lĩnh chính trị và tính kỷ luật cao” - ĐB Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội) nhận xét và đánh giá lực lượng này đã, đang đáp ứng tốt công tác điều tra, phá án, góp phần giữ vững ANCT - TTATXH. Đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Đức Chung, ĐB Nguyễn Văn Minh (đoàn Bắc Kạn) và nhiều ĐBQH khác cho rằng trong nhiều vụ án phức tạp, pháp y thuộc cơ quan y tế không thể đáp ứng nhiệm vụ một cách nhanh chóng, chính xác được như pháp y của cơ quan công an.

Bàn về việc thực hiện chủ trương xã hội hóa GĐTP, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn vì lĩnh vực GĐTP có nhu cầu thị trường không lớn, lợi nhuận không cao, ngược lại, cần chi phí rất lớn trong việc đầu tư thiết bị kỹ thuật và con người trong lĩnh vực GĐTP. Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An) cùng nhiều ĐBQH khác đặt câu hỏi: Nếu thực hiện chủ trương xã hội hóa GĐTP như trong dự án Luật, liệu có khả thi? Vấn đề quan trọng khác cũng được các ĐBQH đề cập đến một cách sôi nổi, đó là yêu cầu phải có 5 năm công tác trong lĩnh vực chuyên ngành, mới trở thành Giám định viên tư pháp.

Theo ĐB Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), quy định như trong dự án Luật là quá khắt khe đối với các cơ sở GĐTP ngoài công lập. Băn khoăn về việc đánh giá chất lượng GĐTP ngoài công lập như một chứng cứ trong tố tụng, nhiều ĐBQH đề nghị có quy định rõ về các lĩnh vực được xã hội hóa trong GĐTP. “Cần quy định cụ thể về công tác kiểm tra, sát hạch để giám sát chất lượng các văn phòng GĐTP ngoài công lập” - ĐB Vi Thị Hương (đoàn Điện Biên) nêu ý kiến. Nhằm khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP hiện nay, các ĐBQH đề nghị dự thảo Luật xác định rõ trách nhiệm cụ thể của bộ, cơ quan ngang bộ, ngành trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành quy chuẩn, quy trình GĐTP hoặc hướng dẫn áp dụng các quy chuẩn, quy trình trong chuyên môn cho hoạt động này, đặc biệt là trong các lĩnh vực GĐTP có nhu cầu lớn, thường xuyên và giám định cơ bản.

Bên cạnh những vấn đề quan trọng nêu trên, các ĐBQH bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao với dự thảo Luật quy định ngoài trường hợp thực hiện GĐTP theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như quy định hiện hành, thì đương sự trong vụ án dân sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính cũng có quyền được trực tiếp yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện việc GĐTP. Đây được coi là quy định nhằm cụ thể hóa cải cách tư pháp, mở rộng quyền dân chủ của các cá nhân tham gia tố tụng.