Cú sốc đối với chủ nghĩa dân túy ở châu Âu

ANTD.VN - Cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan đã kết thúc với kết quả là Đảng Cánh hữu Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của Thủ tướng Mark Rutte đánh bại Đảng Dân túy cực hữu Vì Tự do (PVV) bằng chiến thắng cách biệt, 33 ghế so với 19 ghế. 

Cử tri Hà Lan đã nói không với Đảng Dân túy cực hữu Vì Tự do

Theo các chuyên gia, người dân Hà Lan đã “dập tắt” khả năng một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu ủng hộ cho một chính đảng cực hữu giành chiến thắng trong bầu cử. Đây có thể là được xem là “cú đánh” trực diện nhằm thẳng vào làn sóng chủ nghĩa dân túy đang càn quét các nước phương Tây.

Mặc dù Hà Lan chỉ có dân số 17 triệu, tương đương khoảng 1/4 so với dân số Pháp và 1/5 so với Đức; cuộc bầu cử ở Hà Lan cũng chỉ là 1 trong 3 cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong năm nay ở châu Âu, nhưng nó thu hút sự quan tâm đặc biệt, bởi đây được coi là thước đo mức độ ủng hộ các chính đảng và các nhân vật có quan điểm cực hữu ở cả châu Âu.

Kết quả nói trên ở Hà Lan đã giúp xoa dịu mối lo ngại, nhất là tại các nước cũng chuẩn bị bầu cử như Pháp và Đức, về xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ sau khi Anh lựa chọn rời bỏ EU và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.   

Trong phát biểu đầu tiên sau khi có kết quả sơ bộ, Thủ tướng Mark Rutte khẳng định: “Cử tri Hà Lan đã nói không với chủ nghĩa dân túy kiểu sai lầm và lựa chọn những chính sách đã giúp nền kinh tế của Hà Lan phát triển mạnh mẽ”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đánh giá “đây là một cuộc bầu cử cho châu Âu, chống lại các thành phần cực đoan”.

“Châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm sau kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan. Kết quả này là một cú sốc cho những người theo chủ nghĩa dân túy, những người luôn hy vọng sự tức giận và bất bình đối với chính quyền trong người dân lớn tới mức đủ để giúp họ lên nắm quyền khắp châu Âu”.

Phó Giáo sư  Floris Vermeulen, Chủ nhiệm khoa Khoa học Chính trị

Còn Thủ tướng Angela Merkel gọi cử tri Hà Lan là “những nhà vô địch”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thì gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Mark Rutte và nhấn mạnh kết quả nói trên đã dập tắt sự trỗi dậy của phe cực hữu, đồng thời phản ánh mong muốn của cử tri Hà Lan về một châu Âu mạnh mẽ hơn. 

Theo giới phân tích, một trong những lý do giúp đem lại chiến thắng cho ông Rutte, đó là tỷ lệ cử tri Hà Lan tham gia bỏ phiếu khá cao, tới 81%, mức cao kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ qua.

Trong đó, tỷ lệ cử tri trẻ, vốn phản đối chính sách chống nhập cư và ủng hộ liên kết EU, chiếm tỷ lệ rất cao đã gây bất lợi cho ông Geert Wilders lãnh đạo đảng PVV. Với kết quả nói trên, Đảng VVD sẽ giành quyền đứng ra thành lập liên minh cầm quyền mới và Thủ tướng Rutte gần như chắc chắn sẽ tiếp tục giữ chức nhiệm kỳ thứ ba.

Các đối tác mà Đảng VVD có thể lựa chọn liên minh là Đảng CDA và D66, cùng với một đảng khác thuộc phe cánh tả. Ông Paul Teule, giảng viên Kinh tế chính trị tại trường ĐH Amsterdam, nhận định: “Cuộc bầu cử ở Hà Lan đã đặt dấu chấm hết cho cái gọi là “mùa xuân dân túy”, bởi kết quả cuộc bầu cử cho thấy chủ nghĩa cực đoan cực hữu tại Hà Lan mất đi động lực của mình”. 

Cuộc bỏ phiếu này được xem như một thước đo cho thấy cách các ứng cử viên dân túy sẽ làm được gì trong các cuộc bầu cử sắp tới tại châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Đức, nơi những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu mong muốn tạo ra một ảnh hưởng lớn, đe dọa sự toàn vẹn EU.

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đang chuẩn bị bước vào cuộc chạy đua tranh chức Tổng thống Pháp, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5-2017. Trong khi đó, Đảng Sự thay thế cho nước Đức có tư tưởng hoài nghi châu Âu và phản đối nhập cư có thể sẽ lần đầu tiên giành ghế trong Quốc hội liên bang Đức sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 tới.

Trên thực tế, ông Wilders hầu như không có cơ hội thành lập một chính phủ, bởi tất cả các đảng dẫn đầu đều từ chối làm việc với ông, song một chiến thắng thuộc về PVV nếu có hẳn sẽ là một cú sốc lớn đối với toàn châu Âu. Các cử tri rõ ràng đã bác bỏ đường lối chính trị cực đoan của ông Wilders.

Phó Giáo sư Floris Vermeulen, Chủ nhiệm khoa Khoa học Chính trị, trường ĐH Amsterdam, Hà Lan nhận định: “Cuộc bầu cử ở Hà Lan là một tín hiệu rõ ràng cho thấy nếu các đảng theo chủ nghĩa dân túy muốn thành công, thì họ không thể chỉ có một cương lĩnh chính trị dài 1 trang với chỉ vài ý tưởng hay đề cập tới vài vấn đề mang tính cực đoan. Điều mà họ cần làm là nói tới nhiều vấn đề và những hướng giải quyết phù hợp. Động lực, điều mà người ta cho là một làn sóng dân túy đang chuẩn bị làm đảo lộn trật tự chính trị có từ lâu trên khắp châu Âu và toàn thế giới, đã tan biến”.

Alexander Pechtold - lãnh đạo Đảng D66 và Jesse Klaver - lãnh đạo Đảng GroenLinks, hai đảng dự kiến giành lần lượt 19 và 16 ghế, cũng có chung những nhận xét như vậy. Ông Pechtold nói: “Âm thanh của chủ nghĩa dân túy đã chấm dứt ở Hà Lan”, trong khi ông Klaver khẳng định: “Chủ nghĩa dân túy đã không đạt được sự đột phá ở Hà Lan”. Kết quả cuộc bầu cử năm nay của PVV thấp hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2010, khi họ giành được tới 24 ghế. Phó Giáo sư Vermeulen cho rằng các cuộc bầu cử ở Pháp sẽ là thước đo tiếp theo cho thấy cách các đảng dân túy sẽ thể hiện ở châu Âu.

Mặc dù kết quả chính thức đến ngày 21-3 mới được Ủy ban Bầu cử Hà Lan công bố, song kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Đảng VVD của Thủ tướng Mark Rutte dự kiến giành được 33 ghế trong Hạ viện 150 ghế. Về thứ hai là Đảng “Lời kêu gọi Dân chủ Cơ đốc giáo” (CDA), được 20 ghế.

Đảng Cực hữu PVV và Đảng “Những người Dân chủ 66” (D66) cùng đứng thứ 3 với 19 ghế. Tiếp theo là Đảng Cánh tả Xanh (GroenLinks) 16 ghế và Đảng Xã hội chủ nghĩa (SP) 14 ghế.