Cú sốc bất ngờ

(ANTĐ) - Việc CH Séc đột ngột tuyên bố rút khỏi hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Mỹ đang tìm mọi cách để thiết lập tại châu Âu khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Thoả thuận cho phép Mỹ đặt NMD tại châu Âu đã được hai quốc gia Đông Âu là Ba Lan và CH Séc ký từ thời Tổng thống George W. Bush. Theo đó, Mỹ sẽ lắp đặt 10 tên lửa đánh chặn chống tên lửa tại Ba Lan và hệ thống radar phòng không phát hiện cũng như theo dõi mục tiêu trên lãnh thổ CH Séc.

Sau khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, Washington đã tiến hành điều chỉnh đôi chút kế hoạch lập tấm lá chắn tên lửa tại châu Âu vào tháng 9-2009. Trong đó, thay vì triển khai hệ thống radar phòng không như trước, CH Séc đóng một vai trò nhỏ hơn với đề xuất lập một trung tâm cảnh báo sớm chuyên thu thập và phân tích thông tin từ vệ tinh nhằm phát hiện các tên lửa nhắm vào lãnh thổ các nước NATO.

Cho dù có điều chỉnh thì Mỹ vẫn giữ nguyên tham vọng triển khai NMD tại châu Âu. Hệ thống này như tuyên bố của Mỹ là để bảo vệ các đồng minh NATO tại châu Âu khỏi các mối đe doạ bị tấn công bằng tên lửa của các quốc gia thù địch như Iran.

Và dù có điều chỉnh thì CH Séc vẫn giữ vai trò thiết yếu trong kế hoạch lập NMD của Mỹ tại châu Âu. Không có trung tâm cảnh báo sớm từ quốc gia này, tấm lá chắn tên lửa sẽ bị khiếm khuyết một mắt xích quan trọng, khó có thể phát huy được hiệu quả.

Radar phòng không của NATO được thiết lập tại căn cứ quân sự cách Thủ đô Prague khoảng 85km về phía đông

Chính vì thế việc CH Séc bỗng tuyên bố từ chối tham gia NMD mà Mỹ đang triển khai tại châu Âu đã gây cú sốc lớn cho Washington. Tuyên bố này được chính Bộ trưởng Quốc phòng CH Czech Alexander Vondra đưa ra trong cuộc hội đàm với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William Lynn tại Thủ đô Prague ngày 15-6.

Giải thích về lý do dẫn tới sự thay đổi chính sách một cách đột ngột này, Bộ trưởng Vondra cho rằng Prague không phù hợp với vai trò mà Mỹ trao cho nước này trong NMD tại châu Âu. Cách nói của ông Vondra, theo giới phân tích, chính là sự phản ứng với việc Mỹ xem nhẹ vai trò cũng như quan hệ với CH Séc.

Không nói thẳng song có thể thấy khá rõ là ông Vondra có ý so sánh sự trọng thị cũng như ưu ái của Mỹ dành cho Ba Lan. Cùng đồng ý để Mỹ triển khai tấm lá chắn tên lửa trên lãnh thổ của mình nhưng rõ ràng Washington tỏ ra xem trọng Ba Lan hơn CH Séc rất nhiều trong mối quan hệ đồng minh mà những lời tán dương của Tổng thống Obama trong chuyến công du châu Âu tháng 5 vừa qua là minh chứng.

Trong khi đó, đồng ý cho Mỹ triển khai một phần NMD trên đất của mình, CH Séc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga mà đi kèm với đó là mối lo rất lớn về quốc phòng và an ninh. Matxcơva từng tuyên bố sẽ triển khai các tên lửa chiến thuật đến sát các quốc gia Đông Âu để Mỹ đặt tấm lá chắn tên lửa cũng như đặt các mục tiêu này vào tầm ngắm.

Nói cách khác, CH Séc đang phải đối mặt với cái giá không hề rẻ khi đồng ý để Mỹ triển khai NMD song điều mà họ nhận về lại chẳng tương xứng. Thế nên, việc CH Séc tuyên bố rút khỏi NMD là hoàn toàn có thể hiểu được.