Cú "nắn gân" của Nga khi Mỹ tính rút khỏi INF

ANTD.VN - Nga đã có động thái đầu tiên nhằm cảnh báo toan tính của Mỹ đưa tên lửa tầm ngắn và tầm trung tới triển khai ở châu Âu sau khi tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF).

Tổ hợp tên lửa tầm trung Novator 9M729 của Nga được cho là có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh ở châu Âu

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Matxcơva ngày 24-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo, trong trường hợp Mỹ đưa tên lửa tầm ngắn và tầm trung đến châu Âu thì nước Nga buộc phải “đáp trả một cách tương xứng”. Ông Putin đưa ra cảnh báo này khi tỏ ý nghi ngờ Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tới châu Âu trong trường hợp Washington rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và trung (INF).

Người đứng đầu nước Nga cũng cảnh báo thêm rằng các nước châu Âu nếu đồng ý cho Mỹ triển khai trên lãnh thổ của mình các tên lửa tầm ngắn và tầm trung thì cần phải hiểu rằng họ đang “đặt các lợi ích của đất nước trước mối đe dọa có thể bị tấn công tên lửa”. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, không nên đẩy châu Âu rơi vào tình trạng nguy hiểm cao, đồng thời lưu ý rằng đây không phải là sự lựa chọn của Matxcơva.

Những cảnh báo trên đây của Tổng thống Putin cho thấy Nga đang rất lo ngại trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi INF. Bởi đích thân Tổng thống Trump khẳng định lý do rút khỏi Hiệp ước được coi là một công cụ quan trọng để ngăn chặn chạy đua vũ trang từ thời đỉnh cao chiến tranh lạnh trước đây là để “sẵn sàng xây dựng kho vũ khí hạt nhân” nhằm đáp trả “chương trình tên lửa mới của Nga”.

Hơn 40 năm trước khi Chiến tranh lạnh phủ bóng lên toàn cầu, kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của hai cường quốc hùng mạnh nhất là Mỹ và Nga đã đẩy thế giới tới nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân bất cứ lúc nào. Chính vì thế, Mỹ và Liên Xô trước đây đã ký Hiệp ước INF vào ngày 8-12-1987 mà theo đó hai bên cùng cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn. INF giúp tạo ra một tấm lá chắn ngăn chặn chạy đua vũ trang hạt nhân với hậu quả khôn lường là cuộc chiến tranh hủy diệt hàng loạt. 

Nay nếu rút khỏi INF, Mỹ sẽ không còn chịu bất cứ một sự ràng buộc nào nên có thể “rảnh tay” triển khai những tên lửa tầm ngắn và tầm trung hiện đại nhất cùng sức mạnh hủy diệt đáng sợ nhất tới châu Âu. Những tên lửa này một khi được triển khai sẽ đặt Matxcơva cũng như toàn bộ các thành phố, trung tâm kinh tế, công nghiệp, quốc phòng quan trọng nhất nửa phía Đông của nước Nga trong tầm bắn.

Matxcơva chắc chắn không thể ngồi yên trước việc Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi INF và như sự nhấn mạnh ngày 24-10 của người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, rằng việc Mỹ tái chạy đua vũ trang sẽ đặt Nga vào thế phải tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia. Lời cảnh báo về sự “đáp trả tương xứng” của Tổng thống Putin trong trường hợp Mỹ triển khai tên lửa tới châu Âu xem ra rất có sức nặng khi Mỹ và các quốc gia đồng minh ở châu Âu đều biết rõ về 2 loại tầm ngắn và tầm trung được cho là có thể xuyên thủng mọi “lá chắn” tên lửa là Iskander-M và Novator 9M729.

Trước cảnh báo của Nga, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng rằng liên minh quân sự này không muốn xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới cũng như phải chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mới. Đặc biệt, ông Stoltenberg khẳng định, hiện không tính tới “khả năng các đồng minh của khối sẽ triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn tại châu Âu”.