“Cụ” kỹ sư chân đất

ANTĐ - Đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Đinh Công Viên ở xã Khả Phong (Kim Bảng - Hà Nam) vẫn miệt mài với những ý tưởng cải tiến máy móc đa năng giúp nông dân giảm sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Với cải tiến đặc biệt  chiếc máy “5 trong 1”, ông Viên được mọi người gọi là “cụ kỹ sư” chân đất.

“Cụ” kỹ sư chân đất ảnh 1
Dùng quạt mô tơ của thuyền máy để tạo ống gió cho máy


Nông dân chính hiệu

Chúng tôi gặp ông Đinh Công Viên tại quê nhà khi ông đang hì hụi bên những chiếc máy chưa hoàn thiện. Gặp ông, ai cũng phải ngỡ ngàng trước hình dáng nhỏ bé, gầy gò của “cụ kỹ sư” đã ở vào cái tuổi 83. Ông Viên bảo: “Tôi là nông dân chính hiệu, không được ăn học tử tế nhưng tôi sinh ra để làm “kỹ sư” cho nên với bất cứ việc gì, ở đâu tôi cũng cố nghĩ ra những phương tiện có thể giảm tải sức lao động”.

Chính những năm tháng làm ngô, trồng lúa cực nhọc đã thôi thúc ông Viên mày mò nghĩ cách chế chiếc máy tẽ hạt để làm sao tẽ hết hàng tấn ngô đang phơi ngoài nắng. Đến cuối năm 1999 thì ý tưởng của ông thành công, chiếc máy ra đời sau nhiều ngày tháng hì hụi trắng đêm với những vật lộn với cái đói cái khát. Ông Viên cho hay: “Là nông dân, vất vả quen rồi nhưng nhìn hàng nghìn bắp ngô chui qua máy tẽ tách hạt ra đằng hạt, lõi ra đằng lõi mà tôi mừng đến rơi nước mắt. Tôi nhảy lên sung sướng như đứa trẻ đến nỗi con cháu phải bịt mồm cười”. 

Thế là, tiếng lành đồn xa, chiếc máy tẽ ngô đầu tiên của ông Viên nhanh chóng được nhiều người biết đến. Ông Viên cho biết, công suất lúc đầu của máy tẽ được 3 tạ ngô trong vòng 30 phút, tức là nhanh gấp hàng trăm lần so với cách làm thủ công. Với chiếc máy này ông Viên trở thành thợ tẽ ngô thuê nổi tiếng ở Hà Nam. 

Chiếc máy “5 trong 1”

Vùng chiêm trũng Hà Nam vốn có những bãi bồi trù phú đem lại năng suất ngô rất cao. Thế nên từ năm 2001, với số lượng ngô quá nhiều, chỉ máy tẽ ngô của ông không đáp ứng nổi nhu cầu của nông dân, lại thấy bà con có nhu cầu mua máy riêng để phục vụ sản xuất nên ông Viên bắt đầu nghĩ đến việc sản xuất máy để bán. 

Thế là ông nghỉ việc đi tẽ ngô thuê bắt tay vào việc chế tạo máy móc. Sau mấy năm trời mày mò không mệt mỏi, đến năm 2004 ông Viên đã chế tạo thành công máy với ba chức năng: tẽ ngô, tuốt lạc và vò đậu tương. Chiếc máy được lan truyền khắp nơi với công dụng đặc biệt. Chưa dừng lại ở đó, năm 2005 ông đã chế thêm chức năng vò lúa. Đến 2008 thì chiếc máy “thần kỳ” của ông Viên đã có thể làm được 5 nhiệm vụ cùng lúc. Chức năng thứ 5 là thái trộn thức ăn chăn nuôi cho gia súc gia cầm.

Nói về chiếc máy của mình, ông Viên cho biết, nó có cấu tạo gồm hai phần cơ bản là thân máy và đầu động cơ. Phần thân máy được ông Viên thiết kế rất giản đơn với khung làm bằng vỏ thùng phuy đựng nhựa đường. Ngoài ra còn có khung cho phần ghế ngồi của máy và hai bánh dẫn chuyển máy dễ dàng. Phần quan trọng và khó khăn nhất là quả lu và búa đập cùng băng chuyển tải sản phẩm phía trong máy. Phải chế tạo làm sao để nông dân có thể tháo rời quả lu để thay thế quả lu khác khi sử dụng các chức năng tẽ ngô hay đập lúa...

“Cụ” kỹ sư chân đất ảnh 2
Chiếc máy đa năng có công suất tẽ hàng tấn ngô/1 giờ

Tất cả vì nông dân

Ông Viên cho biết, gần như cả cuộc đời ông chỉ suy nghĩ làm sao tạo ra thật nhiều máy móc để phục vụ nông nghiệp, giúp cho nông dân bớt đi những vất vả, khó nhọc bởi cảnh “một nắng hai sương” rất cơ cực, nhất là vào mùa hè nóng bức. Với ông Viên, mục đích ông sản xuất máy đa năng không phải để kiếm tiền. Chính vì thế, hành nghề mười mấy năm nay, bán ra thị trường hàng trăm chiếc máy cho khắp các vùng miền rồi nhưng ông vẫn không có đủ tiền để mở riêng cho mình một xưởng cơ khí. Ở sân nhà của ông, chính là nơi hàng ngày chế tạo ra những chiếc máy kỳ diệu đó.

Đã vậy, với tuổi cao sức yếu, ông Viên không chịu nghỉ ngơi, có đêm ông thức trắng để đục đẽo, hàn tiện nhôm sắt thiết kế bộ phận của máy. Ông Viên thành thật: “Không có cái máy nào mà lại xù xì xấu xí như máy tôi làm ra, nhưng công suất thì chẳng có máy nào vượt qua được. Vả lại, tôi không quan tâm đến “bản quyền phát minh” nên họ mua về rồi nhái lại để bán giá cao”.

Hiện tại, ông Viên đang thử nghiệm chiếc máy cấy mạ trên nền đất mềm rất hiện đại. Khác hẳn với các loại máy khác có mặt trên thị trường, máy mà ông Viên làm ra sẽ có công suất gấp hàng trăm lần so với cấy mạ thủ công. Chiếc máy cấy mà ông Viên sản xuất đã hoàn thành 9/10 phần. Chỉ còn phần nhỏ đang được hoàn tất trong vụ chiêm năm nay.

Đặc biệt, để tiện lợi cho người sử dụng, ông Viên đã thiết kế phần điện và xăng để nông dân có thể sử dụng cả khi ở ngoài đồng hoặc trong vườn nhà. Chiếc máy cấy hoàn thành, hi vọng sẽ giải phóng sức lao động và đem lại hiệu quả cao cho nông dân.

Ông Viên nhẩm tính, cho đến nay ông đã bán được hàng trăm chiếc máy các loại cho nông dân khắp các tỉnh, thành. Hiện    nay, trong sân nhà ông Viên có đủ các loại máy có thể tẽ ngô với công suất từ 1 - 10 tấn ngô/1 giờ.

Không những thế, ông Viên còn sản xuất ra cả những chiếc máy tẽ ngô đơn giản được quay bằng tay nhưng công suất gấp khoảng chục lần máy tẽ ngô bình thường. Những chiếc máy này được dành bán cho những nông dân ở vùng sâu, vùng xa những nơi chưa có điện lưới hoặc dành cho các hộ nông dân có số lượng ngô ít. Mỗi chiếc máy như vậy chỉ có giá trên 100 nghìn đồng. 

Những công sức mà ông Viên bỏ ra thực sự đem lại giá trị hữu ích cho nông dân. Chiếc máy của ông Viên đã được Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam và Sở NN& PTNT tỉnh Hà Nam trao tặng Cúp Vàng sáng tạo và nhiều bằng khen khác. Ông Viên bảo: “Là nông dân thì phải phục vụ nông dân, không phục vụ được nhiều thì phục vụ được ít. Là con người thì phải phục vụ nhau để làm sao cùng nhau xoá nghèo làm giàu”.

“Ông Viên tuy tuổi đã cao nhưng ông rất hăng hái và sáng tạo trong lao động sản xuất. Ở Hà Nam, ông Viên là nông dân nổi tiếng bởi những phát minh tuyệt vời về máy móc. Nhờ những chiếc máy ấy, nông dân làm việc hiệu quả hơn hàng trăm nghìn lần. Mong sao, sẽ có nhiều “kỹ sư” chân đất tâm huyết như ông Viên”.

Ông Vũ Văn Tá (Chủ tịch Hội Nông dân xã Khả Phong)