Cứ khi dân cần, vaccine lại "cháy"

ANTĐ - Diễn biến “nóng hầm hập” của dịch bệnh viêm màng não do não mô cầu đang khiến không ít người dân hoang mang, lo lắng khi chỉ trong 1 tuần Hà Nội liên tiếp ghi nhận 2 ca bệnh đầu tiên, trong khi trước đó vài ngày tại Hải Dương cũng ghi nhận 1 ca tử vong. 

Thế là để phòng bệnh, người dân Thủ đô bắt đầu đổ xô đưa con đi tiêm vaccine phòng bệnh. Lúc này, một nỗi lo nữa lại ập đến bởi các điểm tiêm chủng lớn nhất trên địa bàn thành phố đều thông báo đã hết vaccine và dự kiến nhanh nhất phải 1 tháng nữa mới có.

Câu hỏi được đặt ra là: Liệu dịch bệnh viêm màng nào do não mô cầu có thực sự nguy hiểm đến mức dân chúng phải hoảng loạn, hoang mang? Tại sao hễ dịch bệnh diễn biến phức tạp thì vaccine phòng bệnh lại hết? Phải chăng ngành Y tế quá thụ động? Rồi trách nhiệm của người dân đến đâu trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho mình và cộng đồng?...

Thứ nhất, không thể không lo lắng bởi viêm màng não do não mô cầu là một loại bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua đường hô hấp và có thể gây tử vong chỉ trong 1 ngày kể từ khi phát bệnh. Thế nhưng như lời người đứng đầu ngành Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo, người dân cần chủ động chứ không nên quá lo lắng, hoang mang. Thực tế, trong 5 năm trở lại đây, năm nào trên địa bàn Hà Nội cũng có người mắc não mô cầu song năm nhiều nhất chỉ ghi nhận 6 ca, còn năm ít nhất là… 1 ca, không có ổ dịch bùng phát. 

Về câu hỏi thứ hai, rõ ràng ngành Y tế không thể phủ nhận trách nhiệm của mình. Trên thực tế không phải bây giờ tình trạng khan hiếm vaccine phòng não mô cầu mới diễn ra mà nó đã kéo dài nhiều tháng nay, chính xác là từ tháng 10-2015.

Có thể ngoài loại vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu AC (của Pháp) đã hết hàng thì một số điểm tiêm chủng ở Hà Nội vẫn còn loại vaccine thứ hai phòng não mô cầu là vaccine BC (của Cuba), song ai cũng biết vaccine phòng não mô cầu AC mới là loại được người dân ưu tiên lựa chọn hơn. Ngành Y tế đã lên kế hoạch phòng bệnh từ đầu năm, đã liên tục khuyến cáo người dân đi tiêm vaccine phòng bệnh nhưng vaccine lại không đáp ứng đủ, để khan hiếm vaccine kéo dài, đó là sự bị động, thậm chí là sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ.

Cuối cùng, nói đi cũng phải nói lại, không thể đổ hết lỗi cho ngành Y tế khi câu chuyện hết vaccine không hoàn toàn là lỗi của họ. Lý do, vaccine phòng não mô cầu là vaccine dịch vụ, mà cung ứng vaccine dịch vụ thì theo cung - cầu, phụ thuộc vào các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà nhập khẩu, còn Bộ Y tế chỉ đóng vai trò quản lý, định hướng.

Hơn nữa, bộ phân không nhỏ người dân vẫn có tâm lý chủ quan, chỉ đưa con em đi tiêm chủng khi có dịch bệnh, thậm chí khi thấy nhiều người đi tiêm thì cũng theo phong trào, nên tình trạng khan hiếm vaccine cục bộ khó tránh khỏi. Thiết nghĩ, trong phòng chống dịch bệnh, sự chủ động, quyết liệt của các cơ quan chức năng cùng việc chủ động, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi người dân là yếu tố quyết định.