Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III-năm 2016:

Cú hích để sân khấu Việt chuyển mình

ANTD.VN - Sau nhiều lần lỡ hẹn, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III - năm 2016 đã được nối lại sau 10 năm chờ đợi. Trong bối cảnh người xem quay lưng với các vở diễn, liên hoan được kỳ vọng tạo cú hích để sân khấu Việt Nam chuyển mình.

Cảnh trong vở “Người 2222” của đạo diễn Lê Quý Dương

Một thập kỷ cách tân

Một thập kỷ đã trôi qua, sân khấu Việt Nam vẫn đang hoang mang tìm đường đến với khán giả. Nhiều khuynh hướng mới đã ra đời như sân khấu kịch cà phê, sân khấu ứng tác… nhưng sân khấu thử nghiệm vẫn mang tính tiên phong hơn cả bởi sự cách tân về sáng tác, biểu diễn, dàn dựng và phá vỡ các quy ước cũ (không còn sân khấu 3 mặt với các màn, lớp lang).

Trong 10 năm, khán giả đã được chứng kiến rất nhiều vở diễn mang tính thử nghiệm ra mắt nhưng tất cả mới dừng lại ở sự manh mún, nhỏ lẻ, chưa đến đầu đến đũa. Ý thức cách tân không phải tác giả nào cũng biết và có nhu cầu đi tìm những phương thức mới để tiếp cận với lớp khán giả ngày nay, đặc biệt là khán giả trẻ. Vì thế, kỳ liên hoan lần này được tổ chức sẽ một lần nữa cho người xem thấy những đổi mới của sân khấu Việt trong suốt một thập kỷ qua. 

Có một điều chắc chắn, với những vở diễn của Việt Nam góp mặt tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III, người xem sẽ thấy sự khác nhau cơ bản với các vở diễn quốc tế. Nếu sân khấu nước ngoài thiên về tính ngắn, gọn, hiệu quả thì sân khấu Việt Nam lại thiên về tính hoành tráng, đông người và dài dòng.

Mỗi vở diễn quốc tế chỉ tối đa 1 tiếng đồng hồ thì các vở diễn trong nước lại kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ và xem liền một mạch nên thường làm khán giả rơi vào trạng thái mệt mỏi. Chưa nói về kỹ thuật biểu diễn, rõ ràng, các diễn viên nước ngoài chuyên nghiệp hơn. Một diễn viên có thể đảm nhận cùng lúc 4 đến 5 vai và có thể diễn kịch, nhảy múa thì diễn viên Việt Nam lại chưa làm được điều này. 

Cần sự bứt phá

Sân khấu truyền thống 3 mặt thường thấy đã bị phá vỡ với lối diễn mới của các nghệ sỹ nước ngoài. Đoàn Hungary mang tới liên hoan vở kịch được biểu diễn trong túi nilon quây tròn, với kỹ thuật túi khí. Đoàn Philippines lại đưa đến câu chuyện tình được thể hiện bằng kỹ thuật múa đáng ngưỡng mộ.

Vở diễn đã làm biến mất cách thức “mở màn”, “đóng màn” để áp dụng kỹ thuật đèn Led hòa quyện cùng nghệ thuật biểu diễn... Điểm thú vị ở các vở diễn ấy chính là sự phối hợp giữa các loại hình nghệ thuật và sự chuyên nghiệp của diễn viên. 

Trông người lại ngẫm đến ta, Việt Nam là một nước có nền sân khấu truyền thống đáng tự hào kéo dài hàng nghìn năm nhưng bỗng lại hụt hơi trước thị hiếu thay đổi của khán giả. Nền sân khấu tỏ ra chậm chạp trước thời cuộc một phần còn do cơ chế bao cấp đã in hằn trong nếp suy nghĩ của mỗi nghệ sỹ.

Cả tác giả, diễn viên, đạo diễn vẫn hoài niệm về một thời hoàng kim mà quên mất rằng, sân khấu cần phải thay đổi, cần phải bứt phá để đáp ứng với tình hình phát triển của công nghệ hiện nay.

 Dù đã xuất hiện các cá nhân có xu hướng đổi mới nhưng số này còn ít và chưa đủ động lực và nguồn lực để đi đến tận cùng của sự sáng tạo. Đâu đó, đã xuất hiện các vở diễn đưa Rock, đèn Led, Pop, điện ảnh vào cải lương, kịch nói nhưng về cơ bản vẫn chưa đổi mới toàn diện, chưa tạo nên cú sốc trong dư luận về sự cách tân.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nhận đinh: “Mối quan hệ giữa ông chủ và người làm thuê (diễn viên) ở nước ngoài đã giúp họ tuyển chọn được các diễn viên có tố chất tốt, kỹ thuật diễn ưu việt, đáp ứng với từng vở diễn. Còn mối quan hệ giữa giám đốc và nhân viên ở Việt Nam trong cơ chế bao cấp đã tạo nên lớp nghệ sỹ công chức, làm công ăn lương đều đặn hàng tháng. Do đó, diễn viên Việt lên sân khấu còn cứng về hình thể, kém linh hoạt, thường lấy số đông để tạo hiệu quả, thay vì tinh lọc về nhân lực”. 

Phải chờ đến 10 năm, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III-năm 2016 mới được tổ chức, nhưng dù sao, kỳ liên hoan này cũng tác động đến những người làm nghề và được kỳ vọng tạo đòn bẩy để sân khấu Việt chuyển mình đi lên. 

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III-năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 19-11 tại Hà Nội. Các đoàn nghệ thuật trong nước sẽ tham gia tranh tài cùng 15 tiết mục quốc tế đến từ 12 nước trên thế giới.