Cú hích để doanh nghiệp tìm đối tác mới

ANTĐ - Doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang tham gia đầu tư, liên doanh liên kết với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các dự án nguồn điện. Nếu thông tin Trung Quốc cấm các doanh nghiệp quốc doanh nước này tham gia đấu thầu dự án tại Việt Nam là sự thật, Việt Nam cũng không quá lo ngại.

Cú hích để doanh nghiệp tìm đối tác mới ảnh 1
Điều hành sản xuất điện tại nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, một trong nhiều dự án điện
mà các nhà thầu Trung Quốc tham gia ở Việt Nam


Tìm kiếm đối tác mới

Ngày 9-6, nhiều tờ báo dẫn nguồn từ tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông cho biết, Chính phủ Trung Quốc tạm thời cấm các công ty quốc doanh của nước này tham gia đấu thầu dự án ở Việt Nam. Ngày 10-6, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) cho biết chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào về việc này.

Riêng với các dự án nguồn điện tại Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia khoảng 90% số dự án. Một chuyên gia lĩnh vực đấu thầu cho biết, sở dĩ nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án là do họ có giá bỏ thầu thấp rồi tìm mọi cách để có được dự án. Sau khi thắng thầu, họ thường đưa thêm cả lao động phổ thông và các thiết bị máy móc sang lắp ráp thi công, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tiến độ thi công. Bên cạnh đó, các nhà thầu Trung Quốc còn thường xuyên sử dụng “chiêu” đội giá bởi theo luật, các nhà thầu có quyền điều chỉnh 10% tổng giá trị gói thầu. Chung quy lại khi kết thúc, tổng vốn đầu tư của công trình cũng không hề thấp. “Do đó, Trung Quốc có cấm thầu cũng là điều mừng cho Việt Nam, bởi các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các đối tác khác có uy tín và kinh nghiệm hơn”- vị chuyên gia này nói. Nói cách khác, đây là cú hích để các doanh nghiệp Việt Nam tìm đối tác nước ngoài mới có tiềm năng hơn hẳn Trung Quốc. 

Trên thực tế, một số dự án điện tại Việt Trì (Phú Thọ), Thái Nguyên, Ninh Bình do nhà thầu Trung Quốc thực hiện trước đây đều vận hành tốt. Song, điều đó không có nghĩa tất cả các dự án do doanh nghiệp nước này thực hiện đều đảm bảo chất lượng. Mặt khác, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng không được đánh giá cao về kinh nghiệm làm tổng thầu EPC (hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay) các dự án lớn như dự án nguồn điện. 

Xử phạt bệnh “chậm tiến độ”

Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long- Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: “Giá thiết bị của Trung Quốc thấp, trong khi phương án tài chính hấp dẫn hơn nên thường xuyên trúng thầu. Đương nhiên tiền nào của ấy, nhưng điều kiện thầu là “án tại hồ sơ”, phía Việt Nam đã chấp nhận rồi thì phía Việt Nam phải chịu”. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng khó chọn nhà thầu giá cao hơn vì giải trình không dễ dàng. 

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Bùi Huy Phùng- Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng Việt Nam cho rằng, các dự án đã ký kết với Trung Quốc thì không thể thay đổi được. Tuy nhiên, cần phải kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình một cách minh bạch, nghiêm túc. Hiện nay, các nhà thầu dự án điện không chỉ có Trung Quốc mà nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác đã có khả năng tham gia. 

Theo Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long, với các dự án điện mà Trung Quốc đang tham gia, phải chú ý đến thời gian chậm tiến độ bao lâu, áp quy định vào để xử phạt.