Cư dân xóm mặt nước ven sông Hồng đã lên bờ

ANTD.VN -Sau gần 40 năm tồn tại, đầu tháng 11 vừa qua, 13 hộ dân của xóm mặt nước sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đã chính thức rời bỏ những  nhà bè lênh đênh, tạm bợ để lên bờ sinh sống. Để làm được việc này, cần nói đến những nỗ lực không mệt mỏi của CAP và UBND phường sở tại trong một thời gian dài.

Kiên quyết di dời

Xóm mặt nước sông Hồng còn được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như “xóm chài”, “xóm bãi”, “xóm nhà nổi” hay “xóm 4 không” (không điện, không nước, không nhà và không hộ khẩu) từ hàng chục năm qua. Cư dân ở đây chủ yếu là những người từ các tỉnh khác tụ họp về Hà Nội kiếm sống bằng công việc làm thuê, làm mướn. Rồi để có chỗ tá túc tạm thời, họ tự chắp ghép những thùng phuy, hộp xốp lại với nhau trên khúc sông hẹp tùng túng, ô nhiễm ven bờ và dựng lên những túp lều rách nát.

Những nhà bè tạm bợ ở xóm mặt nước sông Hồng

Năm này qua năm khác, việc xử lý những tồn tại này trở thành vấn đề đau đầu cho chính quyền địa phương khi các gia đình của xóm không ngừng “gia tăng dân số”. Đây cũng là tiền đề cho câu chuyện dài không có hồi kết của nạn đổ phế thải lấn chiếm trái phép bờ vở ven sông để dựng nhà hay làm vườn tược, chăn nuôi gia cầm. Hàng loạt hệ lụy khác từ đó cũng kéo theo như tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, bệnh tật, nguy cơ cháy nổ hay chết người mỗi khi mùa mưa lũ đến. Bản thân UBND phường Phúc Xá cũng rất khó khăn vất vả trong việc quản lý, chăm lo, tổ chức tạo điều kiện học hành cho con em những hộ dân không chính thức trên địa bàn cũng như đảm bảo các quyền và nghĩa vụ công dân cho họ.

Tuy nhiên, qua một thời gian dài vận động, thuyết phục người dân xóm mặt nước thì đến nay việc giải tỏa các căn nhà bè đã hoàn thành. Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết, từ tháng 5 cho tới đầu tháng 10, UBND phường đã tổ chức các cuộc họp với các hộ dân nói trên cùng cảnh sát khu vực địa bàn dân cư số 1-2-3. Cuộc họp cũng nói rõ cho các hộ thấy, trước tình hình khí hậu có nhiều biến đổi khó lường như hiện nay thì việc tồn tại xóm mặt nước sẽ có rất nhiều nguy cơ chết người có thể xảy ra. Chính vì vậy, 13 hộ thuyền bè đang sinh sống ở đây cần phải di dời khẩn cấp các vật dụng cùng toàn bộ người lên bờ để đảm bảo tính mạng và tài sản.

Nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường và cuộc sống không đảm bảo từ những chiếc bè rách nát

Để chung tay với các hộ, UBND phường sẽ hỗ trợ kinh phí di dời cho mỗi hộ số tiền là 2 triệu đồng, trong đó 1,5 triệu đồng là tiền hỗ trợ thuê nhà và 500 nghìn đồng là tiền tháo dỡ, vận chuyển. Cuộc họp lần này địa phương sẽ làm hết sức kiên quyết trên cơ sở nhằm đảm bảo an toàn cho chính bản thân người dân và cộng đồng.

Chấm dứt nhếch nhác, tạm bợ

Trên thực tế, bản thân các hộ dân của xóm mặt nước cũng ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn đối với chính bản thân họ nếu tiếp tục kéo dài cuộc sống tạm bợ này. Nhiều nguời vẫn chưa thể quên được vụ cháy nhà bè kinh hoàng hồi tháng 11-2011 khiến 2 người tử vong. Do nhà bè chủ yếu được làm từ những vật liệu phế thải như tranh nứa, nilon, giấy dầu, bạt nhựa và thùng xốp nên chỉ cần bất cẩn củi lửa, điện đóm... là toàn bộ xóm sẽ biến thành những bó đuốc trong nháy mắt. Đặc biệt là ở nơi thoáng gió như mặt sông Hồng thì vụ cháy diễn ra càng nhanh trong khi công tác cứu hộ tiếp cận tới đây là cực kỳ khó khăn.

Cư dân xóm bãi đã tháo dỡ nhà bè, di dời toàn bộ lên bờ

Bên cạnh đó, do sự bồi đắp của phù sa ở cả 2 phía đầu nguồn và cuối nguồn sông Hồng thì con lạch - nơi cư dân xóm mặt nước trú ngụ - đã biến thành ao nước tù đọng. Cống thoát nước từ những nhà dân trên phố An Xa, Nghĩa Dũng... đổ xuống khiến nơi đây trở thành bãi nước thải ô nhiễm khủng khiếp.

Trung tá Hoàng Nhật Linh, Trưởng CAP Phúc Xá cho biết, thực hiện Kế hoạch của CAQ Ba Đình về kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, CAP đã trực tiếp tổ chức tuyên truyền đến từng hộ, từng nhân khẩu về tính cấp thiết của việc phải di chuyển lên trên đất liền cư trú để chủ động phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Đến ngày 2-11, toàn bộ 13 hộ của xóm gồm 43 nhân khẩu đã lên bờ thuê nhà trọ để ở và sinh sống. Tất cả lều lán, thuyền bè, nhà nổi đều được tiêu hủy, thu dọn sạch sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường. Lực lượng CSKV đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ mặt nước có thể thuê nhà trọ trên địa bàn phường đảm bảo nhanh chóng ổn định cuộc sống. Việc làm này được nhân dân trong phường đánh giá cao cũng như nhận được sự phối hợp từ cả 13 hộ mặt nước trong công tác thực hiện.

Những căn nhà bè rách nát đã được tiêu hủy

Trước mắt hiện có 7 hộ chọn giải pháp thuê nhà ở tại địa bàn phường Phúc Xá, 4 hộ thuê nhà tại các phường lân cận là Chương Dương, Bạch Đằng, Yên Phụ và 2 hộ chuyền về quê hương sinh sống. Để quản lý tốt địa bàn, CAP sẽ phối hợp với cấp ủy, hệ thống chính trị, cán bộ cơ sở địa bàn dân cư quản lý tốt khu vực sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc xá không để việc tái lấn chiếm mặt sông làm nơi ở.

Lực lượng CSKV và BVDP sẽ đảm bảo công tác tổ chức tuần tra kiểm soát địa bàn, chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý ngay không để lấn chiếm mặt sông Hồng. Tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu, chú ý các hộ đã di dời không để tái diễn quay về nơi ở cũ, đồng thời tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND chỉ đạo các địa bàn dân cư 1,2,3,4,5,8 có tiếp giáp với sông Hồng tổ chức làm con đường ven sông góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quản đô thị sạch đẹp.