Cư dân chung cư cao cấp: Chúng tôi không phải “bò sữa”

ANTĐ - Ông Tô Hồng Sơn cho rằng, chủ đầu tư đang coi cư dân sống tại các chung cư cao cấp như những “con bò sữa”, ra sức vắt.

Chi 40 triệu đồng/tháng chỉ để…diệt côn trùng

Ban đại diện lâm thời (ĐDLT) của một loạt các chung cư được coi là cao cấp (CCCC) trên địa bàn TP.Hà Nội: Keangnam Hà Nội  Landmark Tower, The Manor, Golden Westlake, Sky City… vừa cùng nhau ký tên, gửi bản kiến nghị “khẩn thiết” lên UBND thành phố về việc ban hành “Quy định mức giá trần đối với phí quản lý nhà chung cư”.

Ban đại diện lâm thời các CCCC ngồi họp với nhau

Trong buổi họp “liên minh chung cư” diễn ra mới đây, ông Tô Hồng Sơn (Ban ĐDLT chung cư Golden Westlake) nhìn nhận: Các tranh chấp, khúc mắc hiện nay giữa chủ đầu tư (CĐT) và người dân chủ yếu xảy ra tại những chung cư được gọi là cao cấp. Do không có mức phí trần và nhận định những người sống tại CCCC đều giàu có nên CĐT coi chúng tôi như những “con bò sữa”, ra sức vắt.

Ông Tô Hồng Sơn: Cư dân chúng tôi không phải "con bò sữa" để chủ đầu tư ra sức vắt

Thực tế thì sao? Đoạn đầu của công văn kiến nghị viết: “Hiện nay cư dân sinh sống tại các chung cư đang bị CĐT chỉ định các công ty cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà với mức phí rất cao và tùy tiện, không phù hợp với thu nhập bình quân của các hộ dân. Do không có cơ sở pháp lý và mức phí trần nên các CĐT tự quy định các loại phí quản lý, buộc dân phải đóng góp”.

Điển hình mức phí quản lý cao có thể lấy ví dụ ở chung cư Keangnam. Bà Trịnh Thúy Mai, Ban ĐDLT chung cư này cho hay: ban đầu CĐT đưa ra mức phí quản lý là 0,99 USD/m2 (trên 20.000đ/m2), chưa kể phí trông giữ xe, điện, nước… cư dân bèn phản đối, cho rằng mức phí này quá cao và yêu cầu phải thu bằng VNĐ theo đúng quy định.

Sau một thời gian đấu tranh, CĐT đồng ý hạ xuống mức 18.670 đ/m2, nhưng cư dân Keangnam vẫn không đồng ý, muốn tối đa CĐT chỉ được thu bằng chung cư Golden Westlake (18.000đ/m2) và phải đảm bảo đầy đủ số lượng và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên CĐT lại không đưa ra cam kết (thực tế khó có thể cam kết được, ví như chuyện bể bơi dành cho cư dân 900 hộ quá bé, nhưng do hết đất, không mở rộng ra được nữa), vì thế nên đến giờ vẫn không thống nhất được với dân.

Bể bơi Keangnam bị cho là quá bé so với lượng người sinh sống tại đây

Bà Mai còn đưa ra một loạt các loại phí tại chung cư Keangnam,  bị cư dân ở đây cho là “vô lý” như: tiền thuê máy photocopy: 6 triệu đồng/tháng; tiền sử dụng hóa chất diệt côn trùng: 40 triệu đồng/tháng… “Côn trùng ở đâu ra lắm thế mà phải sử dụng tới 40 triệu đồng/tháng mua hóa chất về diệt?”- bà Mai bức xúc.

Thành lập tổ dân phố- khó thế sao?

Tất cả ban đại diện của các CCCC nêu trên (và nhiều chung cư bình dân khác trên địa bàn TP.Hà Nội) hiện mới chỉ ở tình trạng “lâm thời”. Bà Nguyễn Nhung Hạnh (Ban ĐDLT chung cư The Manor) nói: Không có tổ dân phố và ban quản trị chính thức chính là nguyên nhân làm nảy sinh các vấn đề ở chung cư. Mặc dù đã có những qui định cụ thể về điều kiện thành lập ban quản trị hay tổ dân phố như tòa nhà cần có trên 50% dân cư về ở….song cho đến nay đã 4 năm trôi qua, chung cư The Manor vẫn không thành lập được ban quản trị.

“Không có chính quyền cơ sở cấp thấp nhất này cư dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đấu tranh với CĐT trong những vấn đề phát sinh, đặc biệt là diện tích sở hữu chung- riêng”- bà Hạnh tiếp tục- “Nhức nhối nhất tại The Manor hiện nay là tầng hầm để xe. Hiện có thể thu tiền gửi xe từ đây là 400 triệu đồng/tháng, chỉ cần bỏ ra 50% số tiền này là tha hồ bảo dưỡng, bảo trì tòa nhà song CĐT lại bỏ hết vào túi vì họ nhận tầng hầm này là của họ”.

 

Đại diện chung cư Keangnam (trái) và chung cư The Manor (phải) phát biểu ý kiến

Ông Trần Hồng Sơn đồng ý với ý kiến của bà Hạnh: Không có tổ dân phố hay ban quản trị chính thức thì sẽ xảy ra việc: năm nay giữa cư dân và CĐT thỏa thuận được với nhau về một số vấn đề khúc mắc, nhưng đến năm sau sẽ lại tiếp tục xảy ra tranh chấp khi CĐT tự ý nâng mức phí quản lý; thậm chí CĐT hoàn toàn có thể biến tầng hầm để xe thành….sàn nhảy hay vũ trường là tùy thích, khi họ nhận tầng hầm là của riêng mà cư dân không có tổ chức pháp lý chính thức để đấu tranh.

“Để có thể giải quyết triệt để những tranh chấp giữa dân cư và CĐT về mức phí quản lý đối với các dịch vụ cơ bản, đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét và sớm ban hành quy định về mức giá trần đối với phí quản lý, là cơ sở để hai bên đàm phán, thương lượng với nhau”- kiến nghị của “liên minh chung cư” kết lại vấn đề.