Cú chuyển ngoạn mục của “dân” chuyên Hóa

ANTĐ - Lại thêm một cái tên bổ sung vào bảng thành tích vàng của ngôi trường nổi tiếng ở Hà Nội - THPT chuyên Amsterdam khi Đỗ Khánh Hiền, cô học sinh chuyên Hóa trở thành thủ khoa tiếng Anh của trường đại học danh tiếng  - ĐH Ngoại thương.
Cú chuyển ngoạn mục của “dân” chuyên Hóa ảnh 1
Cô thủ khoa ĐH Ngoại thương Đỗ Khánh Hiền (đứng thứ 2 từ trái sang)
trong niềm vui ngày tốt nghiệp THPT


Chuyên Hóa nhưng lại say mê tiếng Anh

Là dân chuyên tiếng Anh từ cấp THCS nhưng Đỗ Khánh Hiền lại thích thử thách ngay từ khi vào lớp 10 với quyết định thi các khối chuyên không liên quan như chuyên Toán, chuyên Hóa. Kết quả, Hiền đã chọn lớp chuyên Hóa của trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam làm nơi rèn luyện cho mục tiêu đỗ đại học của mình. 

Dường như rất yên tâm với sức học của cô con gái lớn, bố mẹ của Đỗ Khánh Hiền không có bất cứ sức ép nào với sự lựa chọn của con gái. “Cha mẹ em chỉ là cán bộ bình thường, cũng không làm việc trong ngành giáo dục nhưng bố mẹ em hoàn toàn để em quyết định cách học cũng như hướng lựa chọn ngành học. Việc em theo học chuyên Hóa vì sở thích ban đầu nhưng rồi lại quyết định theo đuổi ngành tài chính ngân hàng và quyết định thi khối D không hề khiến bố mẹ phải suy nghĩ” - Đỗ Khánh Hiền cho biết. Khá tự tin trong những quyết định có phần không mấy liên quan, Hiền cho rằng việc đỗ vào ĐH Ngoại thương không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ.

Một trong những điểm tạo nên sự tự tin này ở Hiền chính là niềm yêu thích đối với tiếng Anh. Có nền tảng từ bậc THCS, Hiền cho biết em không hề phải đi học thêm môn này. “Tiếng Anh không giống các môn học khác, phải có quá trình tích lũy lâu dài, không thể trong vài tháng mà có thể “nhồi” được hết lượng kiến thức cần có để đi thi ĐH. Vì vậy em chọn cách tự học thay vì chạy theo các lớp học thêm” - Đỗ Khánh Hiền chia sẻ. Và bí quyết làm bài thi tiếng Anh đạt 9,5 của Hiền là hàng ngày đọc báo tiếng Anh. “Cũng là các thông tin như báo trong nước nhưng nếu tự tìm hiểu qua các trang báo mạng tiếng Anh như New York Times, USA Today, Los Angeles Times…thì bạn sẽ nắm được thông tin nhanh hơn, đồng thời có cơ hội ôn luyện ngoại ngữ. Đọc báo với em như một cách sử dụng tiếng Anh hàng ngày. Điều này khiến cho việc học tiếng Anh trở nên thú vị, hấp dẫn - Đỗ Khánh Hiền cho biết.

Khó hơn sẽ hay hơn

Đây là ý kiến của Đỗ Khánh Hiền khi bàn về đề thi năm nay. Cô Thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương tự cho rằng mình không có sự bứt phá nhiều khi đỗ thủ khoa vào ĐH Ngoại thương bởi bên cạnh sự may mắn thì đề thi năm nay cũng không phải là sự thách đố quá lớn với những thí sinh như Hiền.

“Theo em đề thi năm nay, các bạn được 7, 8 điểm khá nhiều. Việc phân loại giữa học sinh giỏi với khá không có nhiều khoảng cách lắm khi mà đạt điểm 9-10 chỉ nằm ở 1 đến 2 câu hỏi khó. Nếu như đề thi có tính phân loại cao hơn thì các trường sẽ dễ tuyển được những thí sinh theo yêu cầu của mình” - Hiền thẳng thắn nhận xét. Sở dĩ cho rằng đề thi năm nay không quá khó và thành tích của mình cũng không phải là sự đột phá lớn vì Hiền vẫn thường xuyên tham khảo đề thi các năm. “Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi ĐH em vẫn duy trì việc học chắc những kiến thức trên lớp. Việc học thêm với em chỉ cần thiết trong 1, 2 tháng cuối cùng để luyện các dạng bài khó. Em cũng thường xuyên sưu tầm đề thi các năm để tự luyện cũng như cách bố trí thời gian làm bài cho hợp lý và có hiệu quả cao nhất khi làm bài thi” - Đỗ Khánh Hiền chia sẻ về cách học của mình. Hoàn toàn không phải mất thời gian học thêm tiếng Anh, Hiền chỉ dành 2 buổi mỗi tuần học thêm cho môn Toán và Văn nên thời gian còn lại vẫn đủ để Hiền hàng ngày thực hiện nghĩa vụ của một người chị cả trong nhà như dọn dẹp, nấu cơm. 

Nói về danh hiệu Thủ khoa của một trường đại học tốp đầu, Đỗ Khánh Hiền cho rằng đây mới chỉ là chặng đầu tiên và trước mắt còn cả một quá trình học tập để phấn đấu nhất là khi sinh viên vào được trường này đều là những đối thủ ngang sức, ngang tài. Hiền cũng không tỏ ra vội vàng cho những định hướng nghề nghiệp tương lai. “Công việc tương lai đòi hỏi phải có sự tìm hiểu, suy nghĩ về cơ hội và năng lực của bản thân. Trong quá trình học đại học em sẽ hỏi ý kiến cha mẹ và đồng thời tự học hỏi, tìm tòi để đưa ra một quyết định đúng đắn nhất cho công việc tương lai” - Đỗ Khánh Hiền cho biết.