"Củ cà rốt" trong cuộc chiến tâm lý của Mỹ với Iran

ANTD.VN - Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa hạ nhiệt sau vụ Tehran bắn rơi máy bay không người lái (UAV) của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại gây bất ngờ với dư luận khi bày tỏ mong muốn “đưa Iran vĩ đại trở lại”.

"Củ cà rốt" trong cuộc chiến tâm lý của Mỹ với Iran ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với các phóng viên trước khi rời Nhà Trắng tới căn cứ Camp David, Maryland

Nói với các phóng viên khi đang trên đường di chuyển tới căn cứ Camp David, Maryland, để họp bàn về vụ việc UAV của Mỹ bị Iran bắn rơi hôm 20-6, ông Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ không để Iran có vũ khí hạt nhân. Khi họ đồng ý với điều đó, họ sẽ trở thành một quốc gia giàu có. Họ sẽ rất hạnh phúc và tôi sẽ trở thành bạn tốt của họ. Tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra”.

Việc ông Trump biến tấu câu khẩu hiệu tranh cử quen thuộc năm 2016 “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” thành “Hãy cùng đưa Iran vĩ đại trở lại” trong thông điệp gửi tới Tehran đang làm nổ ra một cuộc tranh luận xem ông chủ Nhà Trắng đang tính toán điều gì. 

Sau khi chiếc máy bay do thám tối tân trị giá tới 123 triệu USD bị Iran bắn hạ, với tư thế của một “cường quốc không đối thủ”, Mỹ không thể không trả đũa. Thế nhưng, phát động một cuộc tấn công quân sự, dù là hạn chế, nhằm vào Iran lúc này có thể gây ra xung đột quy mô lớn trên phạm vi khu vực. Lúc đó, đối đầu với Mỹ sẽ không chỉ có Iran mà còn cả các đồng minh của Tehran như lực lượng Hezbollah tại Liban, Al-Houthi tại Yemen và một số nhóm dân binh Shiite tại Iraq.

Rủi ro từ cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông sẽ khiến các lợi ích của Mỹ và đồng minh khu vực bị ảnh hưởng. Trung Đông rơi vào khủng hoảng tất yếu làm gia tăng giá dầu thô toàn cầu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn là điểm cộng trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Donald Trump.

Việc Iran không được vượt “giới hạn đỏ” là bắn hạ máy bay do thám P-8 có người điều khiển đã giúp ông Trump dễ dàng hơn khi quyết định hủy cuộc tấn công có thể gây thương vong cho khoảng 150 người Iran như theo kế hoạch, thay vào đó chỉ gia tăng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, quá khứ cho thấy đi liền với “chiếc gậy” là sự răn đe, Washington cũng thường chìa “củ cà rốt” với đối thủ.

Nhớ lại cuộc đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong quá trình đàm phán, một mặt Washington liên tục gây sức ép, tăng dần các biện pháp trừng phạt nhằm bóp nghẹt kinh tế Triều Tiền, mặt khác ông Donald Trump lại vẽ ra viễn cảnh Triều Tiên sẽ trở thành một đất nước kinh tế phát triển nếu như chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn như đòi hỏi của Mỹ.

Chiến thuật “chiếc gậy và củ cà rốt” này đang được lặp lại với Iran. Hủy kế hoạch tấn công, thậm chí ca ngợi lãnh đạo Iran là “thông minh và thực sự quan tâm tới nhân dân Iran, chứ không phải bản thân họ”, ông Donald Trump hy vọng sẽ khiến dư luận nghĩ rằng ông đang “trao cơ hội hòa bình” cho Iran, và rằng việc tháo ngòi nổ chiến tranh đã rất cận kề. 

Đá quả bóng sang phía Iran, một khi đàm phán thất bại, ông Donald Trump sẽ thoải mái đổ lỗi cho Iran. Và khi đó, phát động chiến tranh sẽ được giải thích như là  biện pháp bắt buộc cuối cùng. Đây có thể coi là bước đi đầy tính toán của ông Trump trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ cũng không hài lòng với việc Washington đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Mỹ và các nước Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức ký với Iran năm 2015.

Thêm vào đó, trong bối cảnh chính trường nước Mỹ đang nóng lên bởi cuộc đua bầu cử tổng thống, ông Donald Trump cũng phải thận trọng để gia tăng khả năng tái cử nhiệm kỳ 2 vào cuối năm sau. Trước mắt, Mỹ mới chỉ tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran từ ngày 24-6, thay vì phát động một cuộc tấn công quân sự. Nguy cơ chiến tranh Mỹ - Iran đã tạm thời được tháo ngòi nổ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả trong ngắn hạn, còn tương lai thì chưa ai có thể dự báo.