Cụ bà lưng còng khóc không thành tiếng vì đứa cháu gái… hư thân

ANTD.VN - Mắt mờ, tai nghễnh ngãng và cái lưng còng gập, song cụ Cẩm vẫn cố đến dự phiên tòa với mong ước sớm lấy lại được khoản tiền bị “đánh cắp”. Thế nhưng khi tòa vừa dứt lời tuyên án, cụ bà 84 tuổi bỗng chuyển sang dằn vặt bản thân và khóc không thành tiếng.   

“Trộm” tiền bằng mánh không giống ai…

Theo đơn kháng cáo của cụ Lê Thị Cẩm (SN 1932) – bị hại trong vụ án, ngày 9-8, TAND TP Hà Nội đã tiến hành phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Nhất (tức Thanh, SN 1986, ở xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 139-BLHS. Trước đó, vụ án khá hy hữu này đã được TAND huyện Thạch Thất làm rõ với nội dung như sau.

Cuối năm 2013, do bán được mảnh đất nên cụ Lê Thị Cẩm có được một khoản tiền khá lớn. Tuổi già sức yếu, thế nên sau khi cho mỗi con một ít, cụ Cẩm đem hơn 660 triệu đồng ra ngân hàng gửi tiết kiệm. Trong suy nghĩ của cụ, số tiền này phần để dưỡng già, phần để chi dùng cho việc hậu sự của bản thân khi trăm tuổi.

Đứa cháu hư thân của cụ Cẩm - Nguyễn Thị Nhất tại phiên tòa phúc thẩm

Sau đúng 1 tháng gửi tiền vào ngân hàng, ngày 23-12-2013, do không biết chữ lại già cả nên cụ Cẩm liền nhờ cháu gái ngoại là Nguyễn Thị Nhất “hộ tống” tới ngân hàng. Ngoài rút số tiền lãi tháng đầu tiên, cụ Cẩm còn bảo Nhất viết phiếu rút tiền thêm 6 triệu đồng tiền gốc để chi dùng vào việc gia đình. Số tiền còn lại, cụ bảo cháu ngoại tách làm 2 sổ tiết kiệm bằng nhau.

Mọi việc xong xuôi, cụ bà 84 tuổi yên tâm ra về vì có đứa cháu đi cùng nên không gặp phải trở ngại nào. Vậy nhưng cụ Cẩm đâu có ngờ được rằng Nhất đã lạm dụng lòng tin của bà ngoại để “thổi” số tiền gốc rút ra từ 6 triệu đồng lên thành 36 triệu đồng. Và tất nhiên, số tiền 30 triệu đồng chênh lệch, cháu gái của cụ bà giấu lẹm, rồi chi tiêu cá nhân hết.

Tương tự, ở tháng thứ hai ra ngân hàng rút tiền lãi của 2 cuốn sổ tiết kiệm, vẫn bằng thủ đoạn lợi dụng sự già cả của bà ngoại, Nhất tự ý làm thủ tục rút 30 triệu đồng tiền gốc để chiếm đoạt cho bản thân. Sự việc cứ như vậy tiếp diễn cho tới khi trong tài khoản của cụ Cẩm số tiền gửi tiết kiệm chỉ còn lại non một nửa.

Quá trình điều tra cho thấy, tính đến tháng 7-2014, tương ứng với 13 lần “tháp tùng” bà ngoại ra ngân hàng rút tiền, Nhất đã lặng lẽ chiếm đoạt của bà ngoại hơn 300 triệu đồng, trong tổng số 416 triệu đồng mà cụ Cẩm điểm chỉ vào các giấy tờ giao dịch với ngân hàng.

Không chấp nhận kháng cáo của cụ bà

Diễn biến phiên tòa cho thấy, cụ Cẩm chỉ phát hiện ra số tiền trong tài khoản của mình cứ vơi dần hơn so với mong muốn của bản thân vào khoảng tháng 8-2014, khi cụ nhờ một người “xe ôm” chở tới ngân hàng để giao dịch. Bị bà ngoại phát giác, Nhất nhanh chóng bỏ trốn và đến cuối năm 2014 thì bị cơ quan công an bắt giữ.

Cũng như ở phiên tòa trước, tại phiên tòa phúc thẩm,  cháu gái của cụ Cẩm thành khẩn khai nhận hành vi chiếm đoạt tiền của bà ngoại đúng như tài liệu điều tra xác định. Song còn một điều oái oăm nữa là trong khi ra sức “đánh cắp” tiền của bà ngoại thì Nhất lại tỏ ra rất hào phóng với những người xung quanh.

Theo đó, sau khi chiếm đoạt được tiền của cụ bị hại, bị cáo đã cho vợ chồng người em bên chồng 48,5 triệu đồng, cho một người bạn ở Phú Thọ 16 triệu đồng và tặng một người dì 10 triệu đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền bất chính ấy đã bị CQĐT nhanh chóng thu hồi, trả cho cụ Cẩm.

Cũng vào thời điểm “trộm” tiền của bà ngoại, cơ quan công an phát hiện Nhất đang đứng tên là chủ sở hữu một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 200 triệu đồng, cùng ở ngân hàng mà cụ Cẩm gửi tiết kiệm. Chỉ có điều, kết quả điều tra lại cho thấy, đó là khoản tiền mà bị cáo đứng tên hộ người khác, chứ không phải nó có nguồn gốc từ số tiền “đánh cắp” của cụ bà 84 tuổi.

Về phía bị hại, sau bản án sơ thẩm, cụ Cẩm cho rằng có sự mập mờ về cuốn sổ tiết kiệm mang tên bị cáo Nhất nêu ở trên nên đã có đơn kháng cáo với mong muốn sớm thu hồi được số tiền bị mất. Vậy nhưng sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ, tài liệu của vụ án, HĐXX phúc thẩm khẳng định không có cơ sở để chấp thuận yêu cầu của bị hại buộc bị cáo Nhất phải “sang ngang” cuốn sổ tiết kiệm trị giá 200 triệu đồng.

Dù vậy, TAND TP Hà Nội cho rằng, cấp sơ thẩm đã áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tội trạng mà bị cáo gây ra và kháng nghị tăng nặng hình phạt của VKS là có căn cứ. Từ đó, HĐXX phúc thẩm quyết định tăng hình phạt từ 5 năm tù lên 7 năm 6 tháng tù giam đối với Nguyễn Thị Nhất về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nghe tòa tuyên án tăng nặng hình phạt với đứa cháu hư thân, cụ Cẩm như người chết điếng, rồi bật khóc không thành tiếng. Dò dẫm từng bước ra khỏi phòng xử án, cụ bà với tấm lưng còng gập lẩm bẩm: “Tôi kháng cáo chỉ mong lấy lại tiền chứ đâu phải để bắt nó đi tù lâu hơn”.