Chuyện nhặt chốn tâm thần (6):

Cụ bà 81 tuổi ngày ngày đi rình bắt chồng ngoại tình

ANTĐ - “Cái túi tiền - vàng của tao đâu? Nó lại đánh tao, lấy trộm hết vàng của tao mang đi cho gái rồi… Để tao phải đi bắt tận tay, day tận trán mới được”. 
Tiếng tru tréo của bà Nguyễn Thị Ba, 81 tuổi (ở Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) khiến những ai không biết lại tưởng cụ ông nhà bà hám “của lạ”. 
Nửa đêm bật dậy tìm vàng, đánh chồng
Ông Hoàng Tuyên, chồng bà Ba kể: “Nửa năm trước, huyết áp của bà ấy tăng đột ngột nên bà ấy bị ngã, sau chữa trị một thời gian ổn định thì lại sinh ra đủ thứ phản ứng lạ: Lúc thì khóc lóc, lúc thì cáu kỉnh, chửi bới ầm ĩ, lúc thì tự lấy tay đập bồm bộp vào đầu rồi gào lên là chồng đánh… Gia đình tôi đưa bà ấy đi viện thì được bác sĩ kết luận, bà ấy bị hoang tưởng”. 
"Cứ không thấy tôi đâu là bà lại đi tìm, tru tréo lên là tôi cậy tủ lấy trộm vàng của bà mang đi cho gái. Tìm được vàng rồi lại đòi đi bắt quả tang tôi cặp bồ…" - ông Tuyên kể.
Thời gian đầu phát bệnh, bà Ba cứ ngày ngủ, đêm thức. Nửa đêm, cả nhà đang ngủ yên, bà bật dậy lục tung tủ lên tìm vàng, tố tội chồng. Con cái phải bỏ công, bỏ việc cắt cử nhau trông bà. Càng ngày, bà càng “quậy” hơn so với trước. Thời gian ngủ của bà cũng giảm hẳn, thậm chí có ngày không ngủ một chút nào, chỉ phá phách.  
Ông Tuyên cho hay, thức đêm theo bà mãi rồi cũng đến ngày mệt mỏi. Cả nhà ông đành bàn nhau dùng đến biện pháp mạnh: “thuốc ngủ”.
Thời gian đầu, thuốc ngủ còn có tác dụng nhưng về sau thì nhờn thuốc. Có thời điểm bà Ba không ngủ gần một tuần liền, gầy rộc đi và tinh thần càng rối loạn, khó hiểu.
“Cái túi tiền - vàng của tao đâu?
“Cái túi tiền - vàng của tao đâu?"
Cào vào mặt bác sĩ
Hết cách, nhà tôi lại đưa bà ấy vào Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Nằm viện mấy ngày, bà luôn tìm đủ mọi cách để đòi về nhà trong khi vẫn lúc tỉnh, lúc lại gào khóc chửi chồng, chửi con bất hiếu… Thậm chí, có lúc bà ấy vùng dậy cào cả vào mặt bác sĩ và con cháu tới thăm. 
Thế nhưng, điều kỳ lạ là ngay sau những lúc hoảng loạn đó, bà ấy trở lại tỉnh táo bình thường như không bị bệnh gì.
Rồi một tuần sau, tự dưng bà Ba kể lể đủ thứ: chuyện thời trẻ, chuyện chăm con thế nào, để dành được bao nhiêu tiền - vàng, gửi ở đâu, rồi bắt chồng gọi hết con trai, con gái vào viện. 
Bà nắm tay từng đứa khóc lóc, trăng trối: “Mẹ có chết thì cho mẹ chết ở nhà, chết ở viện thì sau này mẹ không về được nhà đâu”. Thấy mẹ biểu hiện lạ nên các con bà hốt hoảng xin bác sĩ cho mẹ về.
Ai dè, về đến nhà buổi sáng, buổi chiều bà Ba lại tỉnh như sáo, đến nửa đêm lại chửi chồng, bới tung đồ đạc trong nhà tìm tiền vàng. 
Ông Tuyên cho biết: “Bệnh của bà nhà tôi đã kéo dài hơn nửa năm rồi, đến nay cũng có thuyên giảm đi chút ít, bớt chửi chồng con hơn. Nhưng chứng mất ngủ của bà ấy thì vẫn không giảm được bao nhiêu. Cứ rời thuốc ra là bà lại thức”.
Thuốc của bác sĩ kê liều cao cũng không còn tác dụng nên gia đình đành tự mua thuốc ngủ loại nặng hơn - loại dành cho những người bị mắc bệnh về thần kinh.
Không nên sử dụng thuốc ngủ để điều trị chính
Trong khi đó, bác sĩ Thân Thái Phong, Phòng chỉ đạo Tuyến, Bệnh viện Tâm Thần TƯ 1 khuyên: "Thuốc ngủ chỉ dùng để giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ hơn, và khi điều trị các rối loạn tâm thần thì thuốc ngủ được dùng như thuốc bổ trợ giúp người bệnh an dịu, trấn tĩnh... chứ không phải là thuốc điều trị chính với các rối loạn tâm thần. 
Không nên sử dụng thuốc ngủ kéo dài, đặc biệt là các thuốc liều cao như diazepam; seduxen… thì không nên uống quá 15 ngày để tránh tình trạng bệnh nhân lệ thuộc vào thuốc ngủ đó. 
Đặc biệt, các thuốc được đào thải và chuyển hóa qua gan, thận, làm ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận. Vì thế, nếu dùng thuốc ngủ lâu ngày thì cần dùng thêm các thuốc bổ trợ cho chức năng gan, thận...

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn – Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho bà Ba cho hay: Hoang tưởng không phải là một bệnh mà là triệu chứng rối loạn về nội dung tư duy, thuộc lĩnh vực tâm thần học.

Dưới cách suy nghĩ của bệnh nhân, nhiều chuyện không có thật nhưng họ lại cho là hoàn toàn đúng. Khi mắc bệnh, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn giấc ngủ (có khi không có rối loạn) như mất ngủ, khó ngủ, không ngủ, đảo giấc (ngày ngủ đêm thức); rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc. 

Hay như cảm giác hai chiều vừa yêu, vừa ghét hay cảm xúc trái ngược là người thân thì rất ghét, căm thù nhưng người dưng lại tin yêu; đi dự đám ma thì cười nhưng đi đám cưới lại khóc.