Cứ 1.000 trẻ sinh ra lại có 8-10 trẻ mắc tim bẩm sinh, 50% không rõ nguyên nhân

ANTD.VN - GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000-20.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, nhưng mới chỉ có một nửa trong số đó được phẫu thuật.

GS.TS Lê Ngọc Thành thăm bệnh nhi mắc tim bẩm sinh đang điều trị tại viện

Ngày 10-12, Bệnh viện E đã công bố quyết định thành lập Khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em trực thuộc Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện. GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, sự kiện này không chỉ chứng minh bước tiến về năng lực của bệnh viện mà một lần nữa khẳng định sự phát triển vượt bậc của nền y học Việt Nam.

Lý do vì việc phát triển được chuyên ngành phẫu thuật tim bẩm sinh riêng biệt chính là thước đo của một đất nước có ngành y tế phát triển. Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước đang phát triển nhưng hiện đã có đến 6 trung tâm phẫu thuật tim lớn, phẫu thuật được cả những ca tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm nước ta có khoảng 10.000 – 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ có 6.000 trẻ được phẫu thuật, số còn lại phải chờ và thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh.

Đáng nói, bệnh tim bẩm sinh chiếm đến 90% trong tổng số các bệnh tim mạch ở trẻ và có đến 50% trường hợp bệnh tim bẩm sinh không xác định được nguyên nhân. GS.TS Lê Ngọc Thành nhấn mạnh, việc phát hiện sớm dị tật bẩm sinh và được điều trị đúng cách sẽ giúp trẻ giảm những biến chứng, có cơ hội phát triển tốt hơn.

TS.BS Đỗ Anh Tiến, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em – Bệnh viện E cho biết thêm, bình quân cứ 1.000 trẻ sinh ra thì lại có khoảng 8-10 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Để có thể cứu sống các em, mọi phẫu thuật hoặc can thiệp đều được khuyến cáo thực hiện trong năm đầu đời với tỷ lệ thành công rất cao.

Được biết, tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E hiện mỗi năm có hàng trăm trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật và điều trị thành công. Tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật tim mạch là khoảng 95%.

Đặc biệt, các bác sĩ ở đây đã phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp thành công cho bệnh nhân nhi nhỏ tuổi nhất (8 giờ tuổi sau sinh bị đảo gốc động mạch), hay bệnh nhân nhi nhẹ cân nhất (chỉ nặng 1,7kg mắc hội chứng thiểu sản quai động mạch chủ)...