Cty TST lập dự án "ma" lừa trăm tỷ: Bị hại đòi tiền ra sao?

ANTD.VN - Ngày 10-9-2019, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Phạm Mạnh Cường, SN 1952, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST (viết tắt là Cty TST) và bị cáo Nguyễn Thị Minh Thương (SN 1964, cựu Trưởng Ban quản lý dự án Cty TST), bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người bị hại đang lo lắng về việc làm thế nào để Cty TST phải trả tiền cho họ.

Lập dự án giả, lừa hàng trăm tỷ

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29-3-2019, TAND TP Hà Nội đã tuyên xử Phạm Mạnh Cường, tù chung thân và Nguyễn Thị Minh Thương 20 năm tù. Các đối tượng này đã lừa đảo 148 người ký 176 hợp đồng mua 178 lô đất với số tiền 265,2 tỷ đồng. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, đến thời điểm này còn 88 khách hàng nộp tiền vào dự án và bị Cường và Thương chiếm đoạt số tiền khoảng 138 tỷ đồng. 

Năm 2010, lợi dụng việc đang thi công một số dự án tại khu vực xã Vân Canh huyện Hoài Đức (Hà Nội), và hợp tác với công ty Bất động sản Việt thực hiện dự án cũng tại địa bàn trên, Phạm Mạnh Cường và Nguyễn Thị Minh Thương đã “vẽ” ra dự án có tên là: “Thuộc Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng” rồi tiến hành bán và thu tiền. 

Bị cáo Cường và Thương tại phiên tòa sơ thẩm

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Thuế (trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết: Ông đã ký hợp đồng với Cty TST và thanh toán tiền để mua đất tại dự án xây dựng nhà ở tại Vân Canh, với số tiền lên đến 3.549.000.000 đồng. Cũng như ông Thuế có gần 200 người đã mua đất dự án “ma” do Cty TST vẽ ra thông qua hợp đồng gọi là hợp đồng cho vay vốn. 

Còn bà Hoàng Châu Hương cho biết, bà bị lừa mất khoảng 1.520.000.000 đồng. Năm 2017, khi cơ quan điều tra yêu cầu mở niêm phong hợp đồng, bà vẫn e ngại không muốn mở, vì sợ sẽ không được nhận đất. Việc niêm phong hợp đồng cũng là một động thái che dấu sai phạm của Cty TST. Đã có 148 người bị hại  bị lừa chiếm đoạt tổng cộng là 265.292.330.000 đồng trong vụ án này. 

Chế tài giúp bị hại đòi trăm tỉ đồng

TAND TP. Hà Nội tại phiên tòa sơ thẩm đối với phần nghĩa vụ dân sự, đã tuyên buộc Cty TST phải bồi thường cho 88 người bị hại là gần 138 tỷ đồng, nhưng tới nay phía Cty TST chưa trả tiền. Nhiều người bị hại đang rất lo lắng bởi các lãnh đạo của Cty TST đã bị bắt, liệu họ có tẩu tán tài sản hoặc tiền để trây ì bồi thường cho người bị hại hoặc kéo dài thời gian thi hành án hay không?

Đối với vấn đề này, một cán bộ thi hành án của cơ quan thi hành án tại Hà Nội nêu rõ: Phán quyết của cấp Toà phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Nếu bên bị thi hành án không chịu thực hiện, người bị hại cần có có đơn đề nghị thi hành án. Cơ quan thi hành án sẽ kê biên tài sản, cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho người bị hại. 

Khu đất tại Vân Canh, nơi Cty TST lập dự án giả lừa khách hàng

Luật sư Phương Hữu Tuyến – Trưởng Văn phòng Luật sư Hữu Tuyến và Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết: Trong trường hợp lo ngại bên phải thi hành án tẩu tán tài sản và để ngăn chặn tẩu tán tài sản, người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi bản án có hiệu lực dù phía bị đơn chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án.

Do vậy, các bị hại hy vọng sau phiên tòa phúc thẩm vào ngày 10-9-2019 xét xử vụ án lừa đảo này, ngoài việc hại bị cáo Cường và Thương phải lĩnh án, thì họ sẽ đòi được 138 tỷ đồng từ phía Cty TST.