CSGT hóa trang “bắn” tốc độ

(ANTĐ) - Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát hiện phương tiện chạy quá tốc độ cho phép trên Đại lộ Thăng Long, trong quá trình triển khai, CSGT Hà Nội áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định, trong đó có tuần tra kiểm soát công khai kết hợp hóa trang mặc thường phục.

CSGT hóa trang “bắn” tốc độ

(ANTĐ) - Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát hiện phương tiện chạy quá tốc độ cho phép trên Đại lộ Thăng Long, trong quá trình triển khai, CSGT Hà Nội áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định, trong đó có tuần tra kiểm soát công khai kết hợp hóa trang mặc thường phục.

Xử lý công khai kết hợp hóa trang

CSGT mặc thường phục kết hợp tuần tra, xử lý công khai phương tiện vi phạm về chạy quá tốc độ

CSGT mặc thường phục kết hợp tuần tra, xử lý công khai phương tiện vi phạm về chạy quá tốc độ

Trước thực trạng một số đoạn đường trên Đại lộ Thăng Long bị lún, mặt đường nhiều chỗ nứt vỡ, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các ban, ngành chức năng có liên quan đang tổ chức duy tu sửa chữa. Cùng với đó, biện pháp hạ tốc độ tối đa cho các phương tiện ở 2 làn đường chính ở 2 chiều đi và về trên tuyến đường này từ 100km xuống còn 80km/h đã được thực hiện từ ngày 3-4. Không phải “chờ” đến khi tốc độ giới hạn tối đa được hạ xuống CSGT mới thực hiện “bắn” vi phạm tốc độ, trước đó chuyên đề này đã được Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội triển khai từ khi tuyến đường trên bắt đầu đưa vào sử dụng.

Trước kia, việc xử lý vi phạm còn có sự tham gia của Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn, nhưng nay, do yêu cầu thực tế của nhiệm vụ, việc xử phạt được giao cho Đội CSGT phụ trách địa bàn, cụ thể là Đội CSGT số 11. Trung tá Trần Ngọc Ánh-Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT nhận xét: “CBCS ở địa bàn nắm rõ những đoạn đường, quy luật vi phạm của người điều khiển phương tiện, qua đó sẽ giúp cho CSGT chọn vị trí nào cần phải ứng trực xử lý vi phạm tốc độ để nhắc nhở, cảnh báo và đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông. Quá trình thực hiện theo đúng các quy định đã ban hành trong đó có cả việc kết hợp bộ phận hóa trang lẫn xử lý công khai”.

Ngoài việc chọn vị trí xử lý vi phạm thích hợp, CSGT cầm máy bắn tốc độ còn được phép hóa trang mặc thường phục, đi xe biển dân sự kết hợp với bộ phận tuần tra kiểm soát công khai để phục vụ yêu cầu. Khi phát hiện phương tiện nào có dấu hiệu chạy quá tốc độ cho phép, CSGT mặc thường phục cầm máy đo tốc độ của phương tiện đó rồi thông báo cho tổ công tác gần nhất dừng phương tiện vi phạm lại để xử lý. Bộ phận xử lý vi phạm công khai mặc sắc phục, trang bị đầy đủ những công cụ hỗ trợ, xử lý theo đúng những quy trình đã được quy định. Trung tá Hoàng Văn Đạo-Đội trưởng Đội CSGT số 11 khẳng định: “Phương án, kế hoạch và cách thức triển khai xử lý phương tiện chạy quá tốc độ cho phép của đơn vị đã được cấp chỉ huy Phòng phê duyệt theo đúng tinh thần quy định trong Thông tư 27 của Bộ Công an về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát của CSGT”.

Vi phạm tốc độ dẫn tới tai nạn

Trong sáng 20-4, ghi nhận của PV Báo ANTĐ cho thấy, tại 2 điểm đầu và cuối của Đại lộ Thăng Long đều đã được các đơn vị chức năng cắm biển póoc tích trên đó quy định cụ thể giới hạn tốc độ tối đa cho phép của phương tiện ở từng làn đường khác nhau. Ngoài ra, ở những nơi giao cắt từ 2 bên đường gom ra vào Đại lộ, biển báo hạn chế tốc độ tối đa cũng được lắp đặt rất rõ ràng. Tại những đoạn công nhân thi công sửa chữa mặt đường còn có hệ thống cảnh báo an toàn dành cho phương tiện đi qua. Hầu hết số phương tiện chạy theo 2 chiều đi và về ở 2 làn đường chính của Đại lộ chấp hành khá nghiêm quy định về tốc độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số lái xe vi phạm dẫn tới xảy ra TNGT. Từ đầu tháng 4 tới nay, 42 trường hợp vi phạm đã bị đơn vị xử lý.

Vì sao phải hạ tốc độ?

Trao đổi với PV về việc lắp đặt biển hạ tốc độ tối đa trên Đại lộ Thăng Long, ông Nguyễn Chính Hiếu-Đội phó Đội Quản lý giao thông số 9 thuộc Công ty cổ phần Quản lý đô thị xây dựng đường bộ Hà Nội cho rằng, thời điểm này, việc lắp đặt biển báo hiệu hạn chế tốc độ tối đa như trên là hợp lý cả về vị trí và tốc độ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Nếu lắp đặt quá dày biển báo theo kiểu đoạn đường nào đẹp thì cho chạy 100km/h còn đoạn nào khó đi thì hạ xuống 80km/h sẽ nảy sinh tình trạng “loạn” biển báo, gây nguy hiểm và kéo theo rất nhiều những hệ lụy khó lường. Còn đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng khẳng định: “Việc hạ tốc độ này chỉ là tạm thời, được tính toán xét trên yêu cầu thực tế phục vụ quá trình thi công sửa chữa, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Sau khi toàn bộ những đoạn bị lún, mặt đường gồ ghề được trải nhám bằng phẳng, đáp ứng được an toàn thì mới xem xét cho phương tiện chạy đến tốc độ tối đa 100km/h”.

Hoàng Phong