CSGT Hà Nội: Một năm bận rộn

(ANTĐ) - Tin vui: cho đến những ngày cuối cùng của năm 2007, những thông số cập nhật về Phòng CSGT cho thấy, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu “3 giảm” (giảm số vụ tai nạn, số người chết, bị thương vì TNGT) so với năm 2006. Hiện tượng ùn tắc cục bộ ở nhiều tuyến đường phố, nhiều địa bàn vẫn diễn ra, nhưng không còn phức tạp. ý thức người tham gia giao thông tiến bộ rõ rệt, từ “việc nhỏ” như chấp hành đi đúng phần đường, không vượt đèn đỏ, đến “việc lớn” như thực hiện nghiêm đội mũ bảo hiểm. Những tín hiệu tốt lành ấy có đóng góp lặng lẽ của CSGT - lực lượng không khi nào vắng bóng ở những điểm nóng, thời điểm “nóng” nhất của giao thông Hà Nội năm qua.

CSGT Hà Nội: Một năm bận rộn

(ANTĐ) - Tin vui: cho đến những ngày cuối cùng của năm 2007, những thông số cập nhật về Phòng CSGT cho thấy, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu “3 giảm” (giảm số vụ tai nạn, số người chết, bị thương vì TNGT) so với năm 2006. Hiện tượng ùn tắc cục bộ ở nhiều tuyến đường phố, nhiều địa bàn vẫn diễn ra, nhưng không còn phức tạp. ý thức người tham gia giao thông tiến bộ rõ rệt, từ “việc nhỏ” như chấp hành đi đúng phần đường, không vượt đèn đỏ, đến “việc lớn” như thực hiện nghiêm đội mũ bảo hiểm. Những tín hiệu tốt lành ấy có đóng góp lặng lẽ của CSGT - lực lượng không khi nào vắng bóng ở những điểm nóng, thời điểm “nóng” nhất của giao thông Hà Nội năm qua.

“Sức bật” ý thức

Nói về những phần việc hiệu quả của CSGT Hà Nội trong năm 2007, sẽ rất thiếu sót nếu không đề cập đến công tác triển khai Thông báo 113 của Giám đốc CATP. Ngày 15- 12- 2006, Công an Hà Nội chính thức triển khai thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử phạt phương tiện vi phạm giao thông. Kiên quyết trong nhận thức, nhanh gọn - chính xác trong xử lý, đó là “cương lĩnh hành động” của Thông báo 113 với mục tiêu tạo “sức bật” trong ý thức mỗi người dân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Trái với suy đoán ban đầu của nhiều người, “sau cao điểm, Thông báo 113 sẽ trở nên... thấp điểm, bị lãng quên để lại chờ một đợt cao điểm khác”, Thông báo 113 được các lực lượng Công an, Thanh tra GTCC, đặc biệt là CSGT duy trì đều đặn, trong suốt 365 ngày của năm 2007. “Lỗi 113” là cụm từ mà nhiều người vi phạm Luật Giao thông đường bộ thường nhắc đến.

Theo dõi, cập nhật biểu đồ kết quả thực hiện Thông báo 113, có thể thấy rõ những chuyển biến ý thức của người dân. 3.000, thậm chí 4.000 trường hợp vi phạm bị xử lý trong những ngày đầu tiên Thông báo 113 có hiệu lực. Song đến thời điểm này, bình quân mỗi ngày chỉ có chưa đầy 1.000 trường hợp bị lập biên bản. Trong số ấy, tỷ lệ kiểm tra, xử lý của CSGT luôn chiếm 70 - 80%.

Tính chất các vi phạm cũng giảm dần sự phức tạp. Đa số lỗi bị xử phạt do đỗ dừng không đúng quy định, đè vạch sơn, đi sai phần đường. Tình trạng phương tiện đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định… vốn rất bức xúc những năm trước, từ khi “113” ban hành, đã giảm mạnh. Phát triển hơn nữa tính giáo dục, tuyên truyền của Thông báo 113, lực lượng CSGT đã báo cáo Ban giám đốc CATP cho tổ chức nhiều lớp học lại Luật Giao thông đường bộ đối với người vi phạm.

Đây là một trong những động thái góp phần chuyển biến tích cực ý thức người tham giao giao thông. Và Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng, triển khai hiệu quả sáng kiến này.

“Cuộc chiến” với những “điểm đen”

Năm 2007, trên địa bàn thành phố xảy ra 852 vụ TNGT, làm chết 497 người, bị thương 544 người. So sánh dữ liệu cùng kỳ 2006, Hà Nội giảm 146 vụ TNGT, 25 người chết và giảm 59 người bị thương. Nhận xét số vụ tai nạn, người chết, bị thương như trên vẫn còn cao cũng đúng.

Nhưng đằng sau những con số ấy, đằng sau kết quả “3 giảm” đạt được, là biết bao mồ hôi, trí tuệ, công sức của lực lượng Công an Hà Nội nói chung và CSGT nói riêng. ý thức người tham gia giao thông kém, chất lượng hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, sự gia tăng chóng mặt của các loại phương tiện, đặc biệt là phương tiện quá “đát” hay không được đăng kiểm, rồi công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất hợp lý... đó là những “tiền đề” cho sự gia tăng phức tạp của trật tự giao thông. 12 tháng của năm, có thời điểm gần như tháng nào Ban giám đốc CATP cũng phải triệu tập họp với chỉ huy các đội CSGT nội, ngoại thành.

CSGT phân luồng giải tỏa ùn tắc
CSGT phân luồng giải tỏa ùn tắc

Lãnh đạo các quận, huyện cũng được mời “vào cuộc” để phân tích, tìm nguyên nhân dẫn đến phức tạp của trật tự giao thông. Thành ủy, UBND Thành phố ban hành chỉ thị, yêu cầu từng địa bàn có trách nhiệm, biện pháp cụ thể để giảm số vụ, tỷ lệ thương tật do tai nạn giao thông.

Thượng tá Đào Công Hải, Trưởng phòng CSGT tâm sự, sức ép lớn nhất với lực lượng CSGT trong năm 2007 không phải là việc hoàn thành chỉ tiêu “3 giảm” Chính phủ giao, mà là những diễn biến phức tạp từ tình hình giao thông đô thị.

“Cao trào” của sự phức tạp xảy ra vào đầu tháng 9, thời điểm các khối, trường học đồng loạt khai giảng. 20 ngày đầu tiên của tháng 9, hàng chục tuyến đường, phố tại Hà Nội rơi vào cảnh ùn ứ cục bộ trong nhiều tiếng đồng hồ. Phòng CSGT thống kê được có đến 71 điểm, tuyến, nút thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.

Trong một lần trao đổi với người đứng đầu lực lượng CSGT Hà Nội, chúng tôi nắm được thông tin... giật mình: “Khả năng thông xe của các tuyến đường, phố ở Hà Nội đã vượt quá 200% thiết kế cho phép. Trước năm 2006, 1km đường bình quân có 500 ôtô và 5.400 môtô - xe máy tham gia giao thông; năm 2007 đã tăng lên 540 ôtô và 5.900 môtô - xe máy.

Phòng CSGT quản lý hơn 1,9 triệu môtô - xe máy và gần 194.000 ôtô, chưa kể 30% số xe máy đang lưu thông tại Hà Nội là xe ngoại tỉnh và số lượng không nhỏ phương tiện do Cục CSGT và các cơ quan quân đội quản lý”. Không giật mình sao được khi mà mỗi tháng Hà Nội lại có thêm 2.500 môtô và 15.000 môtô - xe máy lăn bánh trên đường phố.

Bình tĩnh sao được khi mà với tốc độ tăng phương tiện ấy, mỗi ngày Hà Nội phải có thêm gần 3.000 m2 đường mới tạm đủ diện tích cho các phương tiện lưu thông. Song thực tế, từ năm 1999 đến năm 2006, Hà Nội mới tăng được... 50 km đường, chủ yếu ở các chung cư, khu đô thị mới. Sự gia tăng phương tiện này là điều đã được cảnh báo từ nhiều năm, nhưng giải pháp điều chỉnh không có.

Tất tần tật những áp lực ấy dồn lên vai lực lượng Công an, CSGT. Không dưới ba phần tư trong số hơn 600 CBCS Phòng CSGT được bố trí ra đường làm nhiệm vụ. 100 chiến sỹ của Trung đoàn CSCĐ và 35 chiến sỹ của Cục C26 được tăng cường về các đơn vị của Phòng CSGT, vậy mà vẫn không xuể. Những nút thường xuyên ùn ứ như Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, Cầu Diễn, Pháp Vân, Khuất Duy Tiến, Kim Liên - Ô Chợ Dừa nối dài... giờ cao điểm “hút” không dưới 10 CBCS CSGT làm nhiệm vụ phân luồng.

Ban chỉ huy Phòng CSGT, mỗi người “nhận” 2-3 điểm thường xuyên ùn ứ, thường xuyên có mặt và chịu trách nhiệm trước Giám đốc CATP nếu để xảy ra hiện tượng phức tạp mà chậm giải quyết. Liên tục những biện pháp, kế hoạch được chỉ huy Phòng CSGT triển khai trên cơ sở đúc rút từ tình hình thực tế.

Như điều chỉnh giảm bớt CBCS đứng bục để tung vào các “điểm nóng”; phân công tại các điểm có ùn ứ, CSGT làm nhiệm vụ sẽ chủ động điều hành giao thông khi hệ thống đèn tín hiệu hoạt động không phù hợp. Xác định tính chất quan trọng của công tác thông tin, chỉ huy Phòng CSGT đề xuất Ban Giám đốc trang bị thêm máy bộ đàm cho các chốt giao thông để kết nối về trung tâm chỉ huy, từ đó thu nhận và xử lý kịp thời các tình huống ùn ứ trên toàn địa bàn thành phố.

Đồng bộ với các biện pháp điều chỉnh những tuyến, nút “đen” trong nội thành, lực lượng CSGT đã tham mưu cho cơ quan chức năng điều chỉnh số lượng, thời gian hoạt động tránh giờ cao điểm đối với xe tải, xe ôtô du lịch, xử lý xe ba bánh tự gióng...

“Một năm bận rộn trôi qua. Lực lượng CSGT có đóng góp một phần cùng các ngành, địa bàn hoàn thành chỉ tiêu “3 giảm”; kéo xuống được áp lực phức tạp của trật tự đô thị - giao thông. Song điều chúng tôi trăn trở, đó là làm thế nào để việc giải quyết bài toán giao thông của Hà Nội không nên chỉ trông cả vào sức người như hiện nay”, Thượng tá Đào Công Hải bộc bạch. Có lẽ, đây cũng chính là mong muốn của nhiều người dân. Mong đến bao giờ, CSGT hết bận mà đường phố vẫn thông thoáng, trật tự và văn minh.

Minh Hà