CPI tháng 8 có thể tăng 0,2% so với tháng trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2024 có thể tăng khoảng 0,2% so với tháng trước.
Siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng

Siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng

Theo Trung tâm này, áp lực lạm phát những tháng cuối năm có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình.

Mặc dù vậy, trong những tháng còn lại của năm 2024, vẫn có yếu tố làm giảm tốc độ tăng chỉ số giá. Cụ thể là các nền kinh tế lớn giữ nguyên lãi suất hoặc hạ chậm, kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ khiến giá hàng hóa thế giới khó tăng mạnh;

Cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu; Nguồn cung lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định; Tăng trưởng tín dụng vẫn khá thấp.

Bên cạnh đó, áp lực tăng tỷ giá USD/VND sẽ giảm bởi Fed cắt giảm lãi suất khiến đồng USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế; Rủi ro về giá dầu sẽ được giảm bớt do nhu cầu trên thị trường thế giới vẫn yếu, đặc biệt là tại Trung Quốc

Với mức tăng dự báo 0,2%, mức tăng CPI tháng 8 sẽ giảm so với mức tăng tháng 7.

Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7-2024 đã tăng 0,48% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%.

Tổng quát chung, CPI từ đầu năm đến nay đã có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, từ mức 3,37% trong tháng 1-2024 lên mức cao nhất 4,44% vào tháng 5-2024. Sang tháng 6-2024, mức tăng CPI còn 4,34% và tháng 7-2024 tăng 4,36%.

Tính chung 7 tháng qua, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.

Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trong thời điểm lễ hội và du lịch.