CPI tháng 11 giảm tốc: Bất thường hay quy luật?

ANTĐ - Tăng 0,47% so với tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của cả nước lại hạ nhiệt sau khi 2 tháng liền trước tăng khá “nóng” khiến nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại. Việc giảm tốc này liệu có báo hiệu điều bất thường của nền kinh tế?

Nhu cầu mua sắm của người dân dang giảm sút. Ảnh: NGUYÊN VŨ

Nếu như so với mức tăng 0,85% của tháng 10 và 2,2% của tháng 9-2012 thì con số 0,47% tương đối thấp. Lạm phát 11 tháng năm 2012 đã chạm ngưỡng 6,5%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với nhịp độ này thì mục tiêu giữ lạm phát 7% năm nay có thể thực hiện được. Nhưng lạm phát giảm có phải là tín hiệu vui của nền kinh tế? 

Những phân tích gần đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng giảm nhưng những khó khăn trong nền kinh tế từ đầu năm lại bị cộng dồn lại, đáng lo ngại hơn, sức chịu đựng của người dân đang giảm dần. Theo ông Tạ Đình Xuyên- Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội, Bộ KH-ĐT, do khó khăn của doanh nghiệp chưa được giải quyết nên CPI tháng 12 cũng ít có khả năng đột biến. Tuy nhiên, vị chuyên gia này rất thận trọng khi cảnh báo, chưa chắc lạm phát đã được chặn lại do những bất ổn của thị trường. Mặc dù giá cả hàng hóa hiện tại có xu hướng giảm, nhưng còn nhiều yếu tố tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đang đối diện với thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nặng nề, tốc độ tăng trưởng giảm (khoảng 5,2% cả năm). Cùng với đó là đời sống ngày càng khó khăn của dân cư, nhất là nhóm người thu nhập thấp (công chức, công nhân và nông dân) do lạm phát cao kéo dài, việc làm bị thu hẹp đã khiến cho sức cùng lực kiệt.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Chưa thể chủ quan và yên tâm với lạm phát cuối năm cũng như đầu năm 2013. Mục tiêu lạm phát năm 2013 là 8% vẫn đặt ra nhiều thách thức lớn”. 

Phân tích chỉ số CPI tháng 11, các chuyên gia kinh tế ghi nhận xu hướng giảm khá mạnh nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống- nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 40%) trong rổ hàng hóa tính CPI đã giảm 0,08%. Trong đó, thực phẩm giảm tới 0,21%, còn giá lương thực chỉ tăng nhẹ 0,05%. Thông tin về thực phẩm không an toàn, gà loại thải từ Trung Quốc có chứa nhiều chất kích thích đã tác động lên giá cả. Người tiêu dùng e dè hơn khi sử dụng thực phẩm, một trong những minh chứng cho rằng áp lực lạm phát đang giảm dần.

Chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội nhận xét, rất nhiều mặt hàng khuyến mãi được quảng cáo rầm rộ nhưng vẫn vắng khách. Xét về khía cạnh kinh doanh, doanh nghiệp đang rơi vào thế bí. Mức bán lẻ tại các siêu thị cũng đã giảm rõ. Dịch vụ tiêu dùng cũng đã dịu xuống. Hàng hóa tồn kho của các doanh nghiệp không dễ để tiêu thụ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.  

Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến hết năm 2012, khó khăn sẽ còn tiếp diễn. Ông Tạ Đình Xuyên cho rằng, vấn đề cốt lõi hiện nay là cần giải quyết đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp, khơi thông thị trường, từ đó thúc đẩy sản xuất.