CPI cả nước tăng mạnh

ANTĐ - Tăng 2,2% so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 đã tăng mạnh. Các chuyên gia kinh tế lo ngại, mục tiêu lạm phát 7-8% năm đang bị lung lay.

Sức mua của người dân suy giảm một phần do giá cả tăng cao

Hai nhóm hàng tăng giá mạnh

Tháng 8-2012, CPI cả nước có mức tăng 0,63% so với tháng trước, cao nhất kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, bước sang tháng 9, với hàng loạt tác động trực tiếp từ việc tăng giá hàng hóa, CPI tiếp tục tăng hơn 3 lần so với tháng trước, thêm 2,2% và được báo trước bằng việc CPI tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tăng cao trước đó mấy ngày. Cụ thể, trong số 11 nhóm hàng tính chỉ số giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. Các nhóm hàng bật tăng mạnh so với tháng trước là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 2,03% và nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng mạnh 17,02%; nhóm giáo dục tăng 10,54% so với tháng 8-2012. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, CPI tăng cao trong tháng 9 do tác động rõ rệt của hai nhóm hàng là thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Với nhóm hàng thuốc, dịch vụ y tế, việc tăng giá thuốc và dịch vụ y tế từ đầu tháng 7 đã khiến giá nhóm này tăng liên tiếp trong hai tháng qua.  Tác động của việc tăng giá này chỉ 1 lần nhưng do thời điểm áp dụng khung giá dịch vụ y tế mới giữa các địa phương trong cả nước có khác nhau nên chỉ số giá nhóm y tế đã tăng trong 2 tháng 8 và 9-2012.

Bên cạnh đó, mang tính thời điểm, tương tự như tháng 9 của hai năm trước, phí giáo dục lại tăng cao, bao gồm giá: sách, vở, bút, mực, học phí... tăng. Năm 2010, CPI nhóm hàng này tăng 12,02% và giảm xuống 8,62% vào năm 2011. Giống như với giá cả nhóm dịch vụ y tế, chi phí nhóm giáo dục có thể không gây ảnh hưởng đến giá cả các tháng tiếp theo. 

Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 28-8-2012 đã phản ánh trực tiếp giá nhóm giao thông, tăng 3,83%; giá gas, dầu hỏa tăng khiến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng thêm 2,18% so với tháng trước. Giá lương thực cũng được điều chỉnh tăng nhẹ.

Trong 11 nhóm hàng hóa tính CPI, nhóm bưu chính viễn thông vẫn giữ “phong độ” chỉ dao động nhẹ, tăng 0,01% so với tháng trước. 

Cẩn trọng điều hành

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, mục tiêu giữ lạm phát dưới 2 con số nhiều khả năng thực hiện được. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát 7-8% năm nay bị lung lay, bởi chỉ trong 2 tháng liên tiếp này, CPI đã tăng cao thêm 2,83%, cao hơn mức 2,3% của 7 tháng trước đó cộng lại. CPI tháng 9 tăng cao một phần do những nguyên nhân trực tiếp nêu trên, song cũng mang tính chu kỳ. 

Một chuyên gia kinh tế khác ví dụ, nếu không kiểm soát tốt giá cả, chỉ cần thêm một tháng nữa, CPI tăng mạnh, ngưỡng lạm phát 7% đã đạt tới. Hiện tại, so với tháng 12-2011, CPI 9 tháng đã tăng 5,13%. Việc điều hành lại lâm vào thế bị động. Nhưng theo vị chuyên gia này, CPI tháng tới đã có thể loại bỏ được tác động mạnh từ một số nhóm hàng hóa tăng cao mang tính thời điểm như: nhóm thuốc, dịch vụ y tế; nhóm giáo dục… Từ nay đến cuối năm, vẫn có ý kiến cho rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng cao. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, giá các mặt hàng có tác động lớn đến hàng hóa như: xăng dầu, điện,… cần được cơ quan quản lý kiểm soát chặt việc tăng giá, kiểm soát độc quyền. Bên cạnh đó, việc điều hành vĩ mô cũng cần ổn định và tích cực hơn nữa để vừa kiểm soát được lạm phát năm nay, vừa tạo tiền đề tươi sáng hơn cho lạm phát năm 2013.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù trong tháng 9 có dịp nghỉ lễ 2-9 nhưng nhu cầu ăn uống, vui chơi giải trí của người dân không chuyển dịch đáng kể. Điều đó chứng tỏ sức cầu trong nhân dân chưa được phục hồi.