Covid-19 và “cơn bão” hậu đại dịch tiềm ẩn nhiều bất ổn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự hy vọng trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19 dường như đang dần trôi vào dĩ vãng. Giờ đây, con người phải đối mặt với sự thất vọng cay đắng với “một cơn bão hoàn hảo” đang xảy đến - đó là những gì mà một báo cáo quan trọng của các cơ quan tình báo Mỹ vừa được công bố.

“Bức tranh” thế giới hỗn loạn sau nhiều năm

Mới đây nhất, báo cáo “Đánh giá mối đe dọa hàng năm” của Cộng đồng tình báo Mỹ đã được giải mật để công bố. Báo cáo này đã vẽ ra “bức tranh” về một thế giới trong vài năm tới đầy hỗn loạn và tiềm ẩn nhiều thảm họa. Sự gián đoạn toàn cầu đáng kể do đại dịch Covid-19 gây ra, tác động kéo dài hàng năm không chỉ tới sức khỏe của loài người mà còn tới mọi nền kinh tế, xã hội và sự ổn định an ninh toàn cầu. Báo cáo này khiến những niềm hy vọng sắp có thể trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch Covid-19 trở nên tan biến.

Báo cáo “Đánh giá mối đe dọa hàng năm” cảnh báo rằng phải mất một thời gian rất dài sau nữa mới có thể nghĩ đến thời điểm mà những tác động của đại dịch Covid-19 ở lại phía sau và con người không còn cảm nhận được chúng được nữa. Các Chính phủ và xã hội trên toàn cầu sẽ tiếp tục căng thẳng, thúc đẩy các cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo, bất ổn chính trị và cạnh tranh địa chính trị. “Không có quốc gia nào có thể hoàn toàn thoát ra khỏi sự ảnh hưởng này, và ngay cả khi vaccine Covid-19 được phân phối rộng rãi trên toàn cầu, dư chấn kinh tế và chính trị sẽ còn được cảm nhận trong nhiều năm” - trích từ báo cáo “Đánh giá mối đe dọa hàng năm” - “Các quốc gia có nợ cao hoặc phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, du lịch hoặc kiều hối phải đối mặt với sự phục hồi đặc biệt khó khăn, trong khi những quốc gia khác sẽ hướng nội hoặc bị phân tâm bởi những thách thức khác. Các tác động kinh tế và chính trị của đại dịch sẽ lan rộng khắp thế giới trong nhiều năm”.

Đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho các quốc gia như Trung Quốc và Nga hưởng lợi, thông qua cái gọi là “ngoại giao vaccine”. Việc tạo dựng sự ảnh hưởng này có thể có những tác động tới xã hội, chính trị và an ninh toàn cầu rộng rãi trong nhiều năm tới. Một hậu quả khác của đại dịch Covid-19 hoành hành là khả năng bùng phát các bệnh khác trong các nhóm dân số dễ bị tổn thương. “Sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19 đối với các dịch vụ y tế thiết yếu - chẳng hạn như tiêm chủng, cung cấp viện trợ và các chương trình sức khỏe bà mẹ và trẻ em - sẽ làm tăng khả năng xảy ra thêm các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp. Ví dụ, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các biện pháp điều trị và phòng ngừa HIV/AIDS ở khu vực cận Sahara, châu Phi, cũng như các chiến dịch tiêm vaccine sởi và bại liệt ở hàng chục quốc gia” - báo cáo nêu rõ.

“Kẻ thù vô hình SARS-CoV-2” làm thay đổi cả thế giới

“Kẻ thù vô hình SARS-CoV-2” làm thay đổi cả thế giới

Những thách thức khác phải đối mặt

Đại dịch Covid-19 kéo theo một loạt các rủi ro khác, từ thay đổi khí hậu đến khủng bố và tội phạm có tổ chức. Về môi trường, tình trạng suy thoái sinh thái và biến đổi khí hậu của toàn cầu hiện nay sẽ “tiếp tục thúc đẩy bùng phát dịch bệnh, đe dọa an ninh lương thực và nước, đồng thời làm trầm trọng thêm bất ổn chính trị và khủng hoảng nhân đạo”.

Xu hướng di cư dưới tác động của đại dịch Covid-19, thảm họa môi trường như hạn hán, bão hay các tình trạng thời tiết khắc nghiệt được dự báo sẽ tăng cao. Trong khi đó, di cư vốn là yếu tố gây đe dọa tới tình hình an ninh, sự ổn định và tạo ra căng thẳng cho các quốc gia dễ bị tổn thương, kéo đến dịch bệnh và các thảm hoạ nhân đạo và hơn thế nữa. Đơn cử, vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải công bố biện pháp mới nhằm trấn áp các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia được cho là dính líu tới hoạt động buôn người di cư vào nước này.

Ước tính, chỉ trong tháng 3-2021, Mỹ bắt giữ được hơn 172.000 người nhập cư không có giấy tờ, bao gồm gần 19.000 trẻ vị thành niên không có người đi kèm, tại khu vực biên giới phía Nam của nước Mỹ, tăng 71% trong 1 tháng và là mức cao nhất trong 15 năm qua. Hầu hết người di cư đến từ các quốc gia Trung Mỹ vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, hạn hán kéo dài và đại dịch Covid-19.

Các cuộc xung đột khu vực ở Afghanistan, Syria và Iraq được cho rằng sẽ không vì đại dịch Covid-19 mà dừng lại, thậm chí còn tiếp tục căng thẳng và thổi bùng các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Báo cáo “Đánh giá mối đe dọa hàng năm” của Cộng đồng tình báo Mỹ cũng nêu chi tiết việc các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã thích ứng với những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra như thế nào, lợi dụng những thách thức đó ra sao để để gia tăng mức độ quy mô và các loại hình tội phạm ngày càng tinh vi hơn.

Ông Hans Kluge (Giám đốc Văn phòng châu Âu của |Tổ chức Y tế thế giới - WHO)

Ông Hans Kluge (Giám đốc Văn phòng châu Âu của |Tổ chức Y tế thế giới - WHO)

Đại dịch Covid-19 rung chuyển Ấn Độ có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu - ông Hans Kluge cho rằng, các nước không nên phạm sai lầm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách quá sớm nhằm tránh các “làn sóng” lây nhiễm mới. Cụ thể, WHO đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia châu Âu rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể “kích hoạt” một “cơn bão lớn” khiến số ca nhiễm gia tăng chóng mặt như trường hợp xảy ra tại Ấn Độ.

Liên tiếp trong những ngày qua, số ca nhiễm mới và tử vong vì dịch Covid-19 tiếp tục tăng vọt tại Ấn Độ mà theo các chuyên gia thì một phần là do các hoạt động tập trung đông người tại đất nước 1,3 tỷ dân này. Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu - ông Hans Kluge cho rằng các nước không nên phạm sai lầm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách quá sớm nhằm tránh các “làn sóng” lây nhiễm mới. ông Hans Kluge lưu ý rằng trong khi số ca mắc mới trong khu vực giảm “đáng kể” vào tuần trước, lần đầu tiên sau 2 tháng, nhưng “tỷ lệ lây nhiễm trên toàn khu vực vẫn rất cao”.

Phát biểu với báo giới, ông Hans Kluge khẳng định: “Khi mà các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, khi có các hoạt động tụ tập đông người, khi xuất hiện nhiều biến thể lây lan nhanh hơn và công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 còn thấp, những điều này có thể tạo ra một “cơn bão lớn” ở bất kỳ quốc gia nào. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu”. Theo ông Hans Kluge, mức độ bao phủ của vaccine Covid-19 đang gia tăng ở khu vực châu Âu, với 7% dân số hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này có nghĩa là nhiều người ở châu Âu đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hơn so với số người đã bị nhiễm căn bệnh này. Biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ có ký hiệu B.1.617 hiện đang càn quét đất nước này, nhưng WHO vẫn chưa xác nhận liệu nó có khả năng lây truyền cao hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn các chủng virus khác hay không. Các chuyên gia cho rằng, các cuộc tụ tập đông người - chẳng hạn như tại các trận đấu thể thao hoặc đám cưới - là một phần nguyên nhân dẫn đến bùng nổ số ca mắc Covid-19 mới ở Ấn Độ.