Covid-19 năm thứ hai và lời kêu gọi chia sẻ vaccine để chấm dứt đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Chúng ta đang trong năm đại dịch Covid-19 thứ hai và năm 2021 dự kiến số người tử vong còn nhiều hơn so với năm trước” - trích phát biểu của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vaccine là sự lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19

Hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vaccine là sự lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19

Các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng mạnh trên toàn cầu

Theo cảnh báo mới nhất của các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 sẽ là một năm nguy hiểm hơn nhiều đối với đại dịch Covid-19, vì các ca bệnh bắt đầu gia tăng trên toàn cầu. “Nạn nhân” mới nhất của đại dịch Covid-19 là Nhật Bản. Quốc gia này đã phải mở rộng hơn nữa tình trạng khẩn cấp về virus SARS-CoV-2 từ 6 khu vực, bao gồm cả Thủ đô Tokyo, lên thành 9 khu vực, trong khi Thủ tướng Yoshihide Suga vẫn lặp lại quyết tâm tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo chỉ trong hơn 2 tháng tới. Tình trạng lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng cực kỳ nhanh chóng ở các khu vực đông dân cư tại Nhật Bản.

Các nhà virus học cảnh báo rằng Malaysia có thể trở thành nơi bùng phát và lây lan một số biến thể siêu lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các biến thể này hiện vẫn chưa được các cơ quan y tế nước này chú ý đến. Singapore bất ngờ mức ca nhiễm theo ngày cao nhất từ giữa tháng 9-2020 tới nay trong bối cảnh “đảo quốc sư tử” áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát dịch khắt khe. Các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia… vẫn ghi nhận ca nhiễm mới ở mức 4 con số.

Dữ liệu mới cho thấy số người chết vì đại dịch Covid-19 trong ngày ở Ấn Độ vẫn ở mức cao nhất thế giới với hơn 4.000 trường hợp tử vong mới được ghi nhận. Những nước gần đó như Nepal, Sri Lanka và Maldives, đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở những nước xa hơn như Argentina và Brazil...

Theo Công ty phân tích dữ liệu Airfinity, Mỹ có khả năng sản xuất gần 4,7 triệu liều vaccine Covid-19 đến cuối năm 2021

Theo Công ty phân tích dữ liệu Airfinity, Mỹ có khả năng sản xuất gần 4,7 triệu liều vaccine Covid-19 đến cuối năm 2021

Châu Âu và Mỹ không thể chủ quan

Ở châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ quan ngại trước sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tại Ấn Ðộ, biến thể B1.617.2, vốn được cho là một phần nguyên nhân chính dẫn tới “làn sóng” dịch bệnh tồi tệ tại quốc gia này. Thủ tướng Johnson không loại trừ khả nãng việc B1.617.2 xâm nhập vào Anh sẽ khiến quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội tại nước này bị gián đoạn một cách nghiêm trọng.

Bộ Y tế Anh đã phát hiện ra biến thể trên tại vùng Tây Bắc xứ England và ở Thủ đô London. Thủ tướng Johnson cho biết Chính phủ sẽ dựa vào những dữ liệu đánh giá chính thức về mức độ nguy hiểm của biến thể này để đưa ra quyết định về các bước tiếp theo trong tiến trình mở cửa trở lại. Hiện giới khoa học tin rằng biến thể B1.617.2 lây lan nhanh hơn nhưng chưa xác định được cụ thể nhanh hơn bao nhiều lần so với virus gốc. Trong khi đó, một số quốc gia trong châu lục như Hy Lạp, Pháp và Tây Ban Nha đó khởi động mùa du lịch hè với hy vọng bù đắp cho một năm 2020 ảm đạm.

Tại Mỹ, các quy định đeo khẩu trang đang được nới lỏng với những người đã tiêm phòng đầy đủ, một biện pháp được công bố trong hướng dẫn mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần được giải đáp xung quanh hướng dẫn mới như cách thức triển khai hay định nghĩa thế nào là tiêm phòng đầy đủ.

Về vấn đề này, WHO cũng cho rằng những người đã tiêm phòng vẫn nên đeo khẩu trang tại những khu vực vẫn còn tình trạng lây nhiễm. Các quan chức của WHO đều cho rằng các nước cần cân nhắc kỹ về việc dỡ bỏ các biện pháp nhằm kiểm soát lây nhiễm, như đeo khẩu trang, đồng thời cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm những biến thể mới của virus. Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan khẳng định hiện có quá ít quốc gia đủ điều kiện để dỡ bỏ những biện pháp này.

Cán cân vaccine Covid-19 nghiêng lệch

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng về việc các quốc gia giàu có bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người ở độ tuổi thanh thiếu niên, trong khi nhiều nước thu nhập thấp đến nay mới chỉ nhận được số vaccine nhỏ giọt. “Hồi tháng 1, tôi đã cảnh báo về nguy cơ thảm họa đạo đức xảy ra. Không may, chúng ta lúc này đang chứng kiến thảm kịch ấy.

Ở một số nước giàu, những nước đã mua phần lớn nguồn cung vaccine, những người ít có nguy cơ hiện được tiêm vaccine” - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói và kêu gọi - “Tôi hiểu tại sao một số quốc gia muốn tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên của họ, nhưng ngay bây giờ tôi kêu gọi họ xem xét lại và thay vào đó tài trợ vaccine cho COVAX. Lúc này ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp, nguồn cung vaccine thậm chí không đủ để miễn dịch cho nhân viên y tế, trong khi các bệnh viện quá tải số người cần chăm sóc”.

Chương trình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng tới nay mới chỉ phân phát được 60 triệu liều vaccine Covid-19, cách xa mục tiêu ban đầu. COVAX hiện gặp khó trong tiếp cận nguồn cung vaccine sau khi Ấn Độ - nhà cung cấp chủ yếu của COVAX - ngừng xuất khẩu vaccine AstraZeneca bởi cuộc khủng hoảng trong nước. Hiện tại, khoảng 44% trong tổng số 1,4 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở những nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.

Theo một nghiên cứu của Công ty Airfinity (Anh), 7 quốc gia giàu nhất thế giới và các nước thành viên EU có thể giúp thu hẹp khoảng cách về vaccine trên thế giới bằng cách chia sẻ chỉ 20% dự trữ vaccine của mình trong tháng 6, 7 và 8-2021 cho COVAX. Ngày 17-5-2021, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) có khả năng viện trợ hơn 150 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho những nước đang thiếu vaccine mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tiêm chủng của mình.

Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore nêu rõ: “Các nước G7 và EU có thể làm được việc này trong khi vẫn hoàn tất cam kết tiêm chủng cho dân số nước mình”. UNICEF kêu gọi G7 và EU cần nhanh chóng chia sẻ vaccine cho đến khi đạt được mô hình sản xuất vaccine bền vững. UNICEF nêu rõ: “Việc chia sẻ ngay lượng vaccine dư thừa có sẵn là biện pháp tối thiểu, quan trọng và cấp thiết nhằm chấm dứt khoảng cách về vaccine và cần được làm ngay”.

UNICEF kêu gọi Nhóm G7 và EU chia sẻ vaccine Covid-19

Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) - bà Henrietta H.Fore (ảnh) cho biết, các nước G7 có thể chia sẻ 153 triệu liều vaccine Covid-19 trong vòng 3 tháng mà vẫn đảm bảo chương trình tiêm chủng của riêng họ. Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ vaccine dư thừa của họ ngay lập tức như một biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.

WHO kêu gọi hợp tác toàn cầu chia sẻ vaccine Covid-19

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (ảnh) nhấn mạnh, hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vaccine là sự lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19. Sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận vaccine vẫn là một trong những nguy cơ lớn nhất trong việc chấm dứt đại dịch Covid-19. Theo số liệu của WHO, các nước có thu nhập cao và trung bình cao, chiếm 53% dân số toàn cầu, đã nhận được 83% số vaccine ngừa Covid-19 của cả thế giới.