Covid-19 đe dọa mục tiêu 20 suất dự Olympic Tokyo của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch tập luyện mà còn "cản trở" các VĐV ra nước ngoài tập huấn, thi đấu các giải vòng loại tranh suất dự Olympic Tokyo.

Nếu theo đúng kế hoạch, Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra vào tháng 7-2021, tức chỉ còn khoảng 4 tháng nữa.

Trong mục tiêu giành 20 suất tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh, thể thao Việt Nam hiện mới có 5 VĐV gồm Nguyễn Văn Đương (boxing), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (TDDC), Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung). Thời gian còn lại không nhiều trong khi dịch Covid-19 đang là rào cản các VĐV mũi nhọn đến với Olympic.

VĐV mũi nhọn Thạch Kim Tuấn chưa rõ có được dự Olympic Tokyo hay không

VĐV mũi nhọn Thạch Kim Tuấn chưa rõ có được dự Olympic Tokyo hay không

Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 kéo dài gần 2 tháng qua, xen giữa là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã khiến kế hoạch tập luyện của các VĐV bị ảnh hưởng.

Ban đầu, các trung tâm dự kiến mùng 6 Tết cho VĐV tập trung trở lại, song ngoại trừ 400 VĐV tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I đã tập luyện bình thường thì hơn 2.000 VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội cũng như gần 600 VĐV của 19 môn thể thao đỉnh cao thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Công an nhân dân phải dời kế hoạch sang tháng 3.

Trong khoảng thời gian chờ diễn biến dịch Covid-19 "hạ nhiệt", thầy và trò nhiều bộ môn duy trì tập luyện trực tuyến, song phương thức này ít nhiều gây bất cập. Bởi với các môn có nhiều động tác khó đòi hỏi HLV phải có mặt trực tiếp theo dõi, thị phạm và sửa sai cho học trò. Đó là lý do các buổi tập trực tuyến của các đội tuyển hầu hết chỉ là rèn duy trì thể lực.

Bên cạnh nỗi lo duy trì phong độ cho VĐV mũi nhọn, điều các lãnh đội và cả ngành thể thao lo lắng nhất lúc này là kế hoạch tham dự các giải vòng loại để tích lũy điểm số, xét suất dự Olympic Tokyo có thể đổ bể.

Đơn cử như một VĐV muốn ra nước ngoài thi đấu cần trải qua các khâu xét nghiệm, cách ly y tế trước khi nhập cảnh nước bạn và sau khi về nước. Quá trình này có thể mất tới 30 ngày và nguy cơ khiến VĐV không đạt yêu cầu thể lực khi trở lại tập luyện cùng đội tuyển.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia cũng khiến các giải đấu vòng loại bị hủy như từng xảy ra trong năm 2020. Khi đó, cơ hội đến Olympic của VĐV Việt Nam cũng giảm đi.

Riêng với đội tuyển cử tạ, nơi đang có tới 3 VĐV khả năng cao giành quyền dự Olympic là Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên và Vương Thị Huyền, đang đối mặt nỗi lo bị cấm hoặc cắt giảm số suất tới Olympic Tokyo sau bê bối doping của VĐV trẻ.

Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Olympic quốc tế - Thomas Back thậm chí còn "đe dọa" loại bỏ môn thi này ở Olympic Tokyo nếu như Liên đoàn cử tạ thế giới không siết chặt các quy định về phòng chống doping, dẫn đến một loạt bê bối doping tại các liên đoàn thành viên thời gian qua.

Tất nhiên, khó khăn mà thể thao Việt Nam đang gặp cũng là vấn đề mà nhiều nền thể thao khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt. Song ở hoàn cảnh nào thì tất cả đều phải nỗ lực đạt thành tích tốt nhất.