Cột mốc Km 0: Giảm tải hay thêm công trình cho Hồ Hoàn Kiếm?

ANTD.VN - Sáng ngày 3/6, lễ phát động cuộc thi “Thiết kế công trình Cột mốc Km0” được tổ chức. Cuộc thi mong muốn sẽ tìm được những ý tưởng sáng tạo, độc đáo cho công trình mang biểu tượng văn hóa, một điểm nhấn quan trọng trong không gian khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Tham dự buổi lễ có TS.KTS Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo; Ths.KTS Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cùng các đại diện từ Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

“Cột mốc Km 0” là công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm do UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt. Theo đó, 03 vị trí xây dựng cột mốc Km0 được đề xuất là: Khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay, là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện nay; Phía bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ; Sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ.

Từ năm 2018, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam nghiên cứu phương án xây dựng cột mốc Km0. Đến tháng 5/2020, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định tổ chức cuộc thi mở rộng nhằm tìm giải pháp thiết kế tốt nhất để xây dựng.

Ths.KTS Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

“Km0 là hạng mục quan trọng. Quy mô không lớn nhưng giá trị về mặt lịch sử, tính biểu tượng rất quan trọng. Chúng tôi đặt ra yêu cầu với tác phẩm phải có kết cấu bền vững, mang ý nghĩa về mặt thời gian, nói lên được giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội nhưng không gây xung đột với cảnh quan xung quanh”, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.

Cũng theo ông Long, các công trình kiến trúc, cảnh quan cây xanh mặt nước tại Hồ Hoàn Kiếm đã tồn tại hàng trăm năm qua. Trong đó có nhiều công trình được cập nhật và bổ sung vào khu vực này.

Thế nhưng khi tiến hành cải tạo, đưa bất kỳ một hạng mục nào đều phải tuân thủ nguyên tắc. Trước đó, Tháp Bút từng gây ra nhiều tranh luận nhưng cho tới bây giờ, đây đã là biểu tượng không thể thiếu với Hồ Gươm.

Cột mốc Km 0: Giảm tải hay thêm công trình cho Hồ Hoàn Kiếm? ảnh 3

Các vị trí nghiên cứu đặt cột mốc Km0

Nói về dự án cải tạo Hồ Hoàn Kiếm nói chung, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, trước đó quận đã quyết định thực hiện hạng mục kè hồ Hoàn Kiếm và đây là một trong những hạng mục quyết định quan trọng nhất trong dự án cải tạo lần này.

Tiếp theo là dự án cải tạo lại hệ thống đường dạo, các thảm cỏ. Toàn bộ cây xanh được giữ nguyên, thay thế một số ít các cây không phát triển được và quá nhỏ trong khu vực.

Đồng thời, bổ sung hệ thống tưới nước tự động và hệ thống chiếu sáng tại các công trình kiến trúc, hệ thống cây xanh mặt nước và hệ thống chiếu sáng lần này được thiết kế hoàn chỉnh gắn với hệ thống điều khiển bằng smartphone, đặt tại trụ sở của UNBD quận.

Tại cuộc họp, cũng có một số ý kiến từ các họa sĩ, kiến trúc sư cho rằng, việc thêm nhiều công trình mới vào Hồ Hoàn Kiếm có thể gây rối và phá vỡ cấu trúc mang giá trị lịch sử.

TS.KTS Emmanuel Cerise, Viện PRX vùng thủ đô Paris (bên phải) đánh giá cao cuộc thi này

Theo ý kiến từ TS.KTS Emmanuel Cerise, Viện PRX vùng thủ đô Paris, vấn đề là giảm tải cho Hồ Gươm hay thêm các công trình chỉ mang tính chất tương đối. Trên thực tế quanh Hồ Gươm có nhiều thứ không có giá trị lịch sử thẩm mỹ thì nên bỏ bớt đi. 

“Không phải bây giờ chúng ta nói Hồ Hoàn Kiếm có quá nhiều thứ rồi thì chỉ có bỏ đi chứ không có thêm vào.Thay vào đó, tại sao chúng ta không thêm thêm vào những cái chất lượng. Thứ hai, dự án này hay vì nó tạo ra những giá trị mới cho Hồ Hoàn Kiếm và cho Hà Nội. Không phải những cái gì có trong quá khứ thì cố mang ra cho mà dùng hết, không được tạo ra cái mới. Chúng ta làm để cho thế hệ sau này, để họ ghi nhận rằng chúng ta làm được điều gì đó”, ông Emmanuel Cerise chia sẻ.

Trả lời về tính thực tế rằng Km0 có thực hiện đúng vai trò trong mạng lưới đường bộ, ông Emmanuel Cerise và ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng cuộc thi, đồng quan điểm cho rằng, đây là công trình mang tính văn hóa.

Dẫn chứng từ công trình Km0 tại Paris (Pháp) được xây dựng năm 1924, một giai đoạn bùng nổ của xe hơi thì người ta mới làm, đặt ra Km0 cho đường bộ. Chúng ta ở thế kỷ 21, không thể bám vào thế kỷ 20 để làm công trình có mục đích giao thông. Mục đích của công trình này sau này là để sau này khách đến chụp ảnh, cho người dân biết đó là biểu tượng và chứa tính văn hóa cao của Hà Nội.

Km0 không chỉ là cơ sở thiết lập quy ước về khoảng cách đường bộ của thành phố, quốc gia mà còn là một điểm đến có tính biểu tượng cao, điểm nhấn không gian. Đặc biệt công trình đòi hỏi có sự hài hòa với không gian cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm, sẽ trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan thủ đô.

Đối tượng dự thi cuộc thi là các đơn vị tư vấn, thiết kế, các trường và viện nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật và kiến trúc, các nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, sinh viên thuộc các chuyên ngành văn hóa, mỹ thuật và kiến trúc. 

Người dự thi chỉ đề xuất phương án thiết kế Cột mốc Km0 – Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội tại một trong ba vị trí được cung cấp. Cột mốc Km- là một công trình đặc biệt, thể hiện chỉ dấu địa lý, có tính biểu tượng cao, vừa hiện đại, vừa thể hiện bản sắc văn hóa, lịch sử Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đặc biệt, công trình là một tác phẩm nghệ thuật công cộng hài hòa với không gian cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm và là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan thủ đô Hà Nội. Các thiết kế tham dự yêu cầu có chất lượng xây dựng bền vững và dễ thi công.

Ban Tổ chức nhận bài thi vào ngày 6/7/2020 từ các đơn vị dự thi và triển lãm, trao giải và thực hiện công trình Km0 vào ngày 15/7/2020. 

Hội đồng giám khảo là các chuyên gia và nhà quản lý có uy tín của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa, Cục Điện ảnh, Hội Sử học Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Cơ cấu giải thưởng bao gồm: 01 Giải A (Một trăm triệu đồng); 01 Giải Nhì (Tám mươi triệu đồng) và 01 Giải Ba (Năm mươi triệu đồng).