Trộm nhanh như chớp (1)

Cốp to, lo mất của

ANTĐ - Với ưu điểm cốp rộng rất tiện lợi cho việc chứa đồ, những chiếc xe máy tay ga ngày càng được nhiều phụ nữ ưa chuộng. Tuy vậy thời gian gần đây, hiện tượng móc cốp, trộm đồ diễn ra khá phổ biến khiến nhiều người hoang mang…

Cốp xe ga - mảnh đất mầu mỡ của tội phạm


Mồi ngon của tội phạm

Việc mất trộm đồ trong cốp xe không chỉ xảy ra với những chiếc xe tay ga đắt tiền như SH, Vespa LX, Spacy mà những chiếc xe bậc trung như Attila Elizabeth, Liberty 125, SCR, Lead… cũng bị phá cốp. Nạn nhân của những vụ trộm cắp này chủ yếu là phụ nữ có thói quen để tài sản và giấy tờ tùy thân trong cốp xe. Với suy nghĩ “do nạn cướp giật trên đường phố xảy ra thường xuyên, để tài sản trong cốp xe là an toàn nhất” nên rất nhiều người đã tin tưởng và coi chiếc cốp xe là nơi để tài sản khi ra đường.

Chị Nguyễn Thanh Tâm, ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình bức xúc: “Cách đây 2 tháng tôi đến một cửa hàng bán quần áo trên phố Đội Cấn để mua đồ. Trước khi vào trong, tôi đã dặn nhân viên cửa hàng trông giúp xe cẩn thận. Khi tôi đang xem hàng, một phụ nữ còn khá trẻ, ăn vận lịch sự cũng có mặt. Chị ta chủ động gợi chuyện rất cởi mở. Lợi dụng lúc tôi không để ý, người phụ nữ này đã nhanh chóng lấy trộm chìa khóa xe trong túi áo của tôi, sau đó, vờ như có điện thoại chị ta chạy ra ngoài để nghe nhưng thực chất là lấy chìa khóa mở cốp xe. Sau khoảng 1 phút chị ta đi vào, trả lại toàn bộ số quần áo vừa thử đồng thời nói với nhân viên bán hàng “chị phải đi đón bạn, lát chị quay lại”. Khi người phụ nữ này vừa đi khỏi, linh tính có chuyện chẳng lành, tôi chạy ra xe thì thấy cốp đã mở toang, chiếc túi với toàn bộ giấy tờ quan trọng và số tiền hơn 10 triệu đồng của tôi đã mất. Quay vào trong cửa hàng, tôi thấy chìa khóa xe vứt trên mặt bàn. Tôi hỏi nhân viên bán hàng thì họ trả lời “Cửa hàng không nhận trông xe, khách hàng phải tự bảo quản tài sản”.

Chị Vũ Thảo Trang, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Tuần trước khi đi làm về tôi dừng lại bên đường để mua hoa quả. Tôi dựng xe và đứng sát đó, lấy tiền trong túi áo ra trả còn túi và ví vẫn để trong cốp xe. Tuy vậy, khi tôi trả tiền xong thì thấy cốp xe đã mở. Túi và ví tiền không cánh mà bay. Chiếc điện thoại cũng bốc hơi theo. Điều đó chứng tỏ chiếc cốp xe rất dễ bị "đột nhập". Còn chị Lê Thùy Dương, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ lại bị mất tài sản trong hoàn cảnh khác: “Từ trước đến nay khi đi đón con tại trường tôi luôn để túi trong cốp xe và đứng luôn tại đó. Ở trường cũng có bảo vệ trông xe cho phụ huynh. Cách đây 3 hôm khi đón con tôi dựng xe ngay tại sân trường, đầu xe quay vào trong, tôi đứng quay lưng lại với chiếc xe, lưng chạm vào đầu xe. Trong lúc tôi trao đổi với cô giáo thì kẻ gian đã trà trộn vào những phụ huynh đi đón con phá cốp xe và lấy cắp chiếc túi của tôi. Điều đáng nói là cả khóa điện và khóa cốp xe tôi đã thay bằng khóa 6 cạnh - một loại khóa được cho là hiện đại và khó mở nhất hiện nay. Sự việc này chứng tỏ bọn tội phạm trộm cắp rất tinh vi và liều lĩnh, chúng có thể mở được bất cứ loại khóa nào trong thời gian rất ngắn”…

Không nên để ví tiền, điện thoại và các tài sản có giá trị trong cốp xe


Gọi điện… đòi tiền chuộc

Thời gian qua, một số nhân viên của một quán ăn có tiếng tại Hà Nội đã được xác định là thủ phạm trộm tiền của thực khách khi thấy khách để túi trong cốp xe...  Bên cạnh đó, có những người khi đổ xăng hoặc đã về đến nhà, khi lấy tài sản ra khỏi cốp xe cũng bị đối tượng giật mất. Điều đáng nói là sau khi bị kẻ gian lấy mất túi xách, ví tiền, tư trang… không ít người nhận được những cuộc điện thoại của người “vô tình” nhặt được giấy tờ của họ.

Trở lại vụ bị cậy cốp xe lấy mất túi xách gồm ví tiền, điện thoại và những món đồ cá nhân của chị Lê Thùy Dương, ngay sau khi sự việc xảy ra, chị Dương rất lo lắng vì ngoài số tiền bị mất, chị sẽ phải mất thời gian làm lại vô số giấy tờ có trong đó. Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau, vừa đến cơ quan, chị Dương đã nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là “chuyên mua bán đồng nát” thông báo họ vô tình nhặt được chiếc túi xách tại một thùng rác ven đường. Thấy trong túi xách nhiều loại thẻ và danh thiếp có tên chị Dương nên “người tốt bụng” này đã gọi điện cho chị Dương đến nhận lại giấy tờ đã mất. “Lúc đó tôi rất mừng vì ít ra kẻ trộm cũng còn chút lương tri để lại giấy tờ trong túi, may gặp được người tốt tìm thấy nên đã gọi điện cho tôi đến lấy lại. Nhưng khi tôi hỏi đến đâu để chuộc lại giấy tờ, sau một hồi vòng vo, chị ta đưa cho tôi địa chỉ tại một con ngõ nhỏ ven sông Tô Lịch. Dù đôi chút lo lắng, nhưng tôi cũng lấy hết can đảm cùng một đồng nghiệp tìm đến địa chỉ như theo chỉ dẫn. Mất hơn 30 phút lòng vòng trong những ngõ ngách sâu hun hút, không một bóng người, xung quanh là những ngôi nhà lụp xụp, tôi định quay về thì bất ngờ nhận được điện thoại của chị ta, kèm theo lời chỉ dẫn: “Địa chỉ tôi cho khó tìm lắm, để tôi đọc địa chỉ khác, cũng nằm trong ngõ đấy… nhưng ngách dễ tìm hơn…”. Cuối cùng, tôi cũng lấy lại được toàn bộ giấy tờ đã mất nhưng phải mất thêm 500.000 đồng cho “người tốt bụng”, gọi là “tiền cảm ơn” - chị Dương kể lại.

Giống như chị Dương, không ít người bị hại mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều nhận được những cuộc điện thoại kiểu như: “Tôi đi tập thể dục sáng sớm nhìn thấy chiếc ví bên vệ đường…” hay “Tôi là nhân viên công ty môi trường, đêm qua đi dọn vệ sinh trên tuyến đường… thấy chiếc túi xách vứt lăn lóc trên vỉa hè…”. Bên cạnh đó, những “người tốt bụng” hầu như không bao giờ trả giấy tờ cho người bị hại nếu họ không mất một khoản tiền chuộc… Chị Nguyễn Hoài An, ở phố Cửa Bắc, quận Ba Đình chia sẻ: “Tôi vừa mất túi hôm trước, hôm sau đã có người gọi điện trả lại. Người bình thường nếu nhặt được giấy tờ họ sẽ không đòi hỏi tiền chuộc một cách trắng trợn như thế. Đằng này, một người gọi điện thoại cho tôi giọng xách mé: “Có muốn chuộc giấy tờ không? Nếu không đến trong ngày hôm nay tôi vứt đi đấy...”. Mặc dù, tôi cảm thấy người gọi điện thoại cho mình chắc chắn có liên quan tới kẻ đã lấy trộm đồ của tôi hôm trước nhưng cũng không làm được gì.