Lãi suất có mặt bằng mới
(ANTĐ) - Sau quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 9%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và chủ trương cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động và cho vay theo thị trường, lãi suất trên thị trường đã được các ngân hàng điều chỉnh tăng.
Cùng việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng còn đẩy mạnh khuyến mại để thu hút khách hàng gửi tiền |
Mặc dù các NHTM đã "đồng thuận" mức trần lãi suất huy động từ ngày 8-11 sẽ không vượt quá 12%/năm, nhưng tính tới thời điểm này một số NHTM đã nâng mức lãi suất huy động cao hơn mức trần. Cùng với đó, các chương trình khuyến mãi cũng được tung ra kèm theo với mức lãi suất hấp dẫn để thu hút người gửi tiền.
Mức lãi suất cao nhất mà NHTM áp dụng đến nay đang thuộc về Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank), lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng được áp dụng ở mức 12,5%/năm và ở mức 12,8%/năm cho các kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng. Ngoài ra, ngân hàng này còn cộng thêm khuyến mãi có giá trị từ 0,7 - 3%/năm tính trên số tiền gửi cũng như quà tặng cho khách hàng.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng đã thực hiện điều chỉnh lãi suất huy động, theo điều chỉnh này, SeABank là ngân hàng đầu tiên chính thức có mốc lãi suất 13%/năm trên bảng niêm yết, áp cho hai kỳ hạn 12 và 13 tháng. Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) cũng là một trong các ngân hàng có mức lãi suất huy động cao hơn 12%/năm cho các kỳ hạn 12, 18 và 36 tháng (mức 21,2%/năm).
Ngày 11-11, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh lên mức 12%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) áp dụng mức lãi suất 12% cho cả các kỳ hạn ngắn 1 tuần, 2 tuần và 3 tuần đối với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm lãi suất thả nổi kỳ hạn 378 ngày. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
(Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng áp dụng chung mức lãi suất 12%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Ngoài ra, các NHTM như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), Ngân hàng Tiên Phong, Đại Dương… cũng đã nâng lãi suất lên 12%/năm.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, các NHTM đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) triển khai chương trình khuyến mãi với giải thưởng là xe Camry trị giá 1 tỷ đồng, xe máy LX… Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng công bố chương trình khuyến mãi lớn với tổng giá trị lên tới 11 tỷ đồng, giải thưởng là xe Mercedes C250, 30 xe máy Shi 125…
Theo giám đốc một NHTM, việc áp dụng các chương trình khuyến mãi bên cạnh việc tăng lãi suất là điều tất yếu. Với mức lãi suất 12% cho các kỳ hạn thì các ngân hàng nhỏ khó có thể cạnh tranh với các ngân hàng lớn. Ngoài ra, giá vàng và giá USD tăng mạnh cũng khiến khách hàng không mặn mà với việc gửi tiền. Thậm chí, một số khách hàng còn rút tiền để mua vàng, mua USD do đó thanh khoản của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Với các mức khuyến mãi trên thì lãi suất huy động thực tế lên đến 14-15%/năm.
Cùng với việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng cũng nhanh chóng tăng lãi suất cho vay nhằm cân đối chi phí. Theo báo cáo của NHNN về hoạt động ngân hàng từ 29-10 đến 5-11, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu) là 10,5-12,3%/năm, đối với sản xuất, kinh doanh thông thường là 12,5-15,5%/năm và đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống là 16-18%/năm.
Hùng Anh