Độc hành trên cánh đồng chữ

(ANTĐ) - Đặng Thiều Quang từng nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên với bút danh “Đác ta nhăng” trên báo Hoa Học Trò. Nhưng 11 năm qua, anh gần như “mất tích” khỏi đời sống văn học trẻ. Đã có nhiều tin đồn về sự “mất tích” ấy...

Độc hành trên cánh đồng chữ

(ANTĐ) - Đặng Thiều Quang từng nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên với bút danh “Đác ta nhăng” trên báo Hoa Học Trò. Nhưng 11 năm qua, anh gần như “mất tích” khỏi đời sống văn học trẻ. Đã có nhiều tin đồn về sự “mất tích” ấy...

Và cuối cùng, đầu tháng 9 này Đặng Thiều Quang đã trở lại bằng loạt sách được xuất bản bởi Công ty Bách Việt, bắt đầu là tập truyện ngắn “Tôi và Đác ta nhăng”. Anh bỏ cả công việc kiến trúc, bỏ mọi cuộc vui, chỉ chú tâm vào những con chữ...

- Hơn mười năm, đời người nhanh thật đấy, cái khoảng thời gian ấy anh đi đâu?

- Tôi ở Hà Nội này, lao vào mọi thứ, đi làm kiến trúc, mở văn phòng tư vấn thiết kế. Rồi bỏ việc, đi mở quán cà phê Nam Đồng. Quán cũng đủ sống. Rồi cưới vợ, sinh con, bỏ quán, đi câu cá.

Lại mở quán cà phê Hook trên phố Hồng Phúc. Nhưng cách đây 3 tháng thì tôi bỏ hết rồi. Tôi muốn tập trung vào công việc yêu thích. Tôi đang viết tiểu thuyết thứ 3, tên nó là “Đảo cát trắng”.

- Khoan hãy nói về “Đảo cát trắng”, trên các diễn đàn văn học mạng, tiểu thuyết “Chờ tuyết rơi” của anh đang được bàn tán xôn xao. “Chờ tuyết rơi” được bắt đầu như thế nào?

- À, đó thực sự là một cuốn tiểu thuyết viết ra... chẳng biết để làm gì. Thời điểm đó là năm 2002, tôi đang sống buông trôi ở quán cà phê Nam Đồng, công việc kiến trúc thì không thuận lợi, chuyện tình yêu thì bế tắc.

Nhà tôi ở Thanh Xuân, nhưng tôi chẳng thèm về, cứ nhốt mình dưới gầm cầu thang của quán cà phê, kê mấy tấm phản làm bàn và viết “Chờ tuyết rơi”. Nhân vật “Tôi” trong “Chờ tuyết rơi” mang nhiều tâm trạng của tôi.

Có triết lý hiện sinh trong đó, con người ta cần tìm những lý do để tiếp tục cuộc sống. Nó nằm trong ngăn kéo rất lâu, sau đó tôi đánh máy lại và một ngày tôi biết các diễn đàn văn học mạng, tôi post chúng lên. Cũng nhiều bạn chia sẻ, cũng nhiều bạn phê phán. Tôi vui vì mọi người đã đọc nó.

- Tôi đọc “Chờ tuyết rơi” với tâm trạng khá lạ lùng, vừa hy vọng, vừa lo sợ, cảm giác như sợ sẽ thất vọng nếu nó... dở quá. Nhưng thật may, tôi đã đọc một mạch hết mấy chục nghìn chữ của nó. Tại sao anh luôn viết về Sapa? Khi anh viết về ký ức, cảm giác như giọng văn tưng tửng biến mất, thay vào đó là những con chữ tha thiết, rưng rưng...

- Sapa là tuổi thơ của tôi. Ngày nhỏ, tôi ở trong căn nhà của ông tôi, trong thung lũng có vườn đào Vân Nam trái mọng, thân bám đầy địa y. Những vườn rau giống xanh ngút mắt.

Những vườn thảo dược thơm sực tỏa hương vào ban đêm. Về sau này, mỗi khi nhớ quê, tôi thường lấy những viên thuốc cảm xuyên hương của dược Yên Bái, đem đổ ra lòng bàn tay. Cái mùi thảo dược ngây ngất ấy lại về, đó là Sapa. Mỗi khi viết về vùng đất này, trong tôi lại đầy ắp những câu chuyện cũ.

- Thế còn “Đảo cát trắng”, có gì của Sapa trong đó? 

- Không có gì. Đó là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu. Tôi muốn kể một câu chuyện hoàn toàn phi thường. Tiểu Đăng, ngọn đèn nhỏ, sống thụ động và cưới vợ, mất vợ ngay trong tuần trăng mật ở trên đảo.

Và câu chuyện bắt đầu. Tiểu Đăng ở lại, dạy chữ cho lũ trẻ trên đảo, cuộc sống luôn trong tình trạng tối thiểu. Tôi muốn kể ba câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết này. Chúng không giống như thông thường.

Nhưng tôi nghĩ đó là những câu chuyện hấp dẫn. Tôi muốn xâm chiếm tâm trí bạn đọc bằng những thứ mà họ không thể biết trước.

- “Đảo cát trắng” đã hoàn thành chưa, khi nào anh công bố?

- Tôi đang trong những ngày quyết liệt với nhân vật của mình. Chắc là sẽ sớm xong thôi. Tôi đã post lần lượt lên blog, mọi người có thể vào trang www.thieuquang.kiss.vn để đọc thử.

Nhiều bạn đọc thì đón đợi, như đợi tiểu thuyết dài kỳ trên báo ngày xưa. Tôi thấy đó cũng là động lực, là niềm vui. Ba tháng nay tôi bỏ hết thú câu cá, bỏ việc ở văn phòng, ngồi nhà viết cái này. Mình thấy viết là cái mình làm tốt nhất và thích nhất, nên cố mà làm thôi.

- Nếu ai từng theo dõi Hoa Học Trò chừng 10 năm trước sẽ thấy anh và Nguyễn Vĩnh Tiến là hai nhân vật đặc biệt của trường kiến trúc, cùng viết văn, cùng nổi tiếng sớm. Nhưng giờ thì cả nước ai cũng hát “Bà tôi” của Vĩnh Tiến rồi, còn anh thì gần như... biến mất. Có chạnh lòng không “Đác ta nhăng”?

- Không. Chúng tôi có những khúc ngoặt số phận khá giống nhau. Chúng tôi ra trường và đã có thời gian mở văn phòng thiết kế cùng nhau. Chúng tôi là những người bạn. Nhưng rồi mỗi người có một con đường riêng.

Năm ngoái, khi Tiến thành công trong âm nhạc thì tôi đang... đi câu và dân câu cũng biết tiếng tôi lắm đấy (cười). Tôi không chạnh lòng, mừng cho bạn và cũng rất yên lòng về mình.

Bởi vì tôi đang viết được và rất thích viết. Tôi ước giá mà không phải làm gì khác, để viết những câu chuyện của mình theo cách mà mình mong muốn...

- Thì anh đang vứt bỏ mọi thứ để viết văn đó thôi?

- Thì đúng rồi. Tôi bỏ hết, cả công việc, sự ổn định và những cơ hội trong nghề kiến trúc. Thomas Trần, anh bạn thân của tôi trong nghề kiến trúc là một tấm gương, anh ấy yêu công việc của mình một cách khủng khiếp.

Ngày trước, những lúc chán nghề tôi hay lấy anh ấy để “răn” mình. Nhưng giờ thì tôi không cố được. Tôi bỏ việc để viết văn. Nhưng tôi không thể cứ như thế này mãi. Nhà văn của Việt Nam chẳng có ai có thể sống bằng nhuận bút. Tôi cũng chẳng phải là cây bút ăn khách gì.

Tác phẩm của tôi từng nằm trong ngăn kéo nhiều ngày và tôi từng làm mất khá nhiều những bản thảo viết tay ngày trước. Tôi không thể cứ hí húi viết mà không thèm quan tâm đến gia đình. Vợ tôi và hai đứa con của tôi nữa.

Mọi thứ không dễ dàng. Tôi đang nhận một số công trình độc lập, các dự án ngắn hạn. Như thế nó không chiếm quá nhiều thời gian của mình. Đang lúc hứng viết thì không muốn bị phân tâm. Viết xong rồi thì tính tiếp.

- Nhà văn là nhà nghèo, đến giờ mọi thứ vẫn cứ đúng. Anh có thấy là mình đang độc hành trường chinh trên con đường này, còn những người trẻ khác họ chỉ đến và họ dạo chơi với văn chương mà thôi?

- Mỗi người có một lựa chọn. Tôi đã từng im lặng trong nhiều năm không viết gì. Nhưng rồi chữ nghĩa nó quấn lấy mình rồi mình quay lại. Có thể bạn không biết, ngày tôi mới mở quán, tôi đã đi học cách pha cocktail và chính tôi pha từng ly cocktail cho thực khách của mình.

Rồi vì mê câu cá, tôi cũng bỏ cả trăm triệu để làm Hook cà phê, rồi mới nhận ra mình sai lầm vì dân câu vốn không nhiều, dân câu thì ra hồ chứ đến quán làm gì có mấy... Nói thế để thấy là tôi cũng có những say mê khác, cũng từng chối bỏ văn chương. Nhưng rồi mọi thứ đã quay lại, như thế đấy.

Bên Bách Việt đã mua độc quyền tác phẩm của tôi rồi, họ sẽ phát hành liên tiếp, cả tiểu thuyết và truyện ngắn. Họ nói cũng sẽ tái bản cái tiểu thuyết “Hoen gỉ” cho tôi.

- Ồ, “Hoen gỉ”, tôi sực nhớ ra, ngày đó là một sự kiện với chúng tôi, một sinh viên mà viết được tiểu thuyết. Nhưng quả thực thì cũng ít người được đọc “Hoen gỉ”. Tại sao nhỉ?

- Đó cũng là một cuốn tiểu thuyết có số phận long đong. Tôi đem dự thi “Văn học tuổi 20” mà chẳng được giải gì. Năm 20 tuổi, tôi mang một bao tải bản thảo, trong đó có cả “Hoen gỉ”, theo xe tải vào Sài Gòn, tôi nghĩ NXB Trẻ làm ăn được thì in sách của tôi có thể cũng bán được.

Khi ấy tôi thích viết văn và bán sách để sống. Nhưng rồi chuyến đi đó khiến tôi nhận ra nhiều thứ, còn bản thảo gửi lại Sài Gòn bặt vô âm tín đến tận bây giờ. Sau đó thì “Hoen gỉ” được in ở NXB Hà Nội. Nhưng khâu giới thiệu, phê bình thì kém quá. Tôi nhớ có một số người đọc và khen, trong đó có anh Ngô Tự Lập.

Nhưng là mấy người như thế thôi, chứ nó bị chìm nghỉm giữa thị trường bộn bề sách. Tôi cũng chẳng giữ được cuốn sách nào. Mới rồi, để khôi phục bản thảo, một người bạn đã mượn giúp tôi ở Thư viện Quốc gia. Hy vọng lần tái bản này “Hoen gỉ” không còn long đong nữa...

- Thôi, tôi hỏi thêm một câu này nữa rồi cho anh tiếp tục hì hụi. Sau “Đảo cát trắng” anh sẽ làm gì?

- Tôi có nhiều câu chuyện rất hay đang muốn được kể ra. Tôi thích được kể chúng theo cách của mình.

Hoài Phố thực hiện