Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng chiếu sáng
(ANTĐ) - Những ngày này, vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất là... lịch cắt điện. Song, để giảm thiểu nguy cơ bị cắt điện trong những ngày nắng nóng tiếp theo thì việc tiết kiệm điện, trong đó có điện chiếu sáng là vô cùng cần thiết đòi hỏi mọi cá nhân, đơn vị tự giác thực hiện.
Các công trình văn hóa công cộng không thể thiếu đèn chiếu sáng |
Thiếu hụt điện năng nghiêm trọng
Hiện tại, tình hình thiếu hụt điện năng đang diễn ra khá nghiêm trọng. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, việc cắt điện liên tục xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến hết tháng 12-2009 chỉ có 1.800MW công suất nguồn điện mới đi vào vận hành (đạt 55% kế hoạch năm 2009). Trong khi đó, dự báo nhu cầu phụ tải điện năm 2010 có thể tăng 13-15% so với các tháng cùng kỳ năm 2009. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới an toàn cung cấp điện trên toàn hệ thống đặc biệt là tại khu vực phía Bắc. Trước tình hình đó, ngày 5-4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 424 về tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện trong các tháng mùa khô đồng thời nhấn mạnh nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng nguồn cung cấp điện, chỉ đạo các ban, ngành tích cực triển khai các biện pháp tiết kiệm điện.
Theo thông tin từ Hội Chiếu sáng Việt Nam, điện năng sử dụng trong các lĩnh vực chiếu sáng chiếm 25% tổng điện năng thương phẩm cả nước, trong đó chiếu sáng công cộng tiêu thụ khoảng 3%. Trong năm 2009, tổng điện năng tiêu thụ trong lĩnh vực chiếu sáng trên cả nước là 21,035 tỷ Kwh. Dù nhiều địa phương đang trải qua những ngày nắng nóng nhất trong năm song không ít nơi đã bị cắt điện thường xuyên. Do vậy, thời điểm này, giải pháp sử dụng các nguồn sáng tiết kiệm và hiệu quả càng trở nên vô cùng cấp bách. Đây cũng là lý do khiến Hội Chiếu sáng Việt Nam đã phối hợp cùng một số bộ, ngành tổ chức hội thảo “Truyền thông với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng” diễn ra sáng 15-6 tại Hà Nội.
Các biện pháp tiết kiệm năng lượng chiếu sáng
Tại buổi hội thảo này, PGS.TS Lưu Đức Hải - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cho rằng, tiết kiệm điện năng là một trong những yêu cầu đặt ra của quy hoạch chiếu sáng đô thị. Trong đó đèn Led là công nghệ chiếu sáng của tương lai với các ưu điểm nổi bật: Công suất tiêu thụ điện thấp, nhiệt năng thấp, tuổi thọ cao, cường độ chiếu sáng ổn định, loại bỏ nguy cơ cháy nổ và những rủi ro về điện, thân thiện với môi trường. Tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa sống còn đối với mục tiêu phát triển bền vững của nước ta, vì vậy chiếu sáng đô thị sử dụng đèn Led là một xu thế tất yếu của Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, để tiết kiệm năng lượng, việc phổ biến tiêu chuẩn và dán nhãn năng lượng cho các thiết bị gia dụng đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Song ở nước ta hiện nay, thị trường sản phẩm tiết kiệm năng lượng có hiệu quả còn khá nghèo nàn do người dân thiếu thông tin, thiếu nhà cung cấp chuyên nghiệp, thiếu hành lang pháp lý, nhiều sản phẩm này đang bị đánh thuế cao, không phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, hiện Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo định hướng chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025. Trong đó nêu rõ quan điểm: Phát triển chiếu sáng phải gắn liền với phát triển đô thị, khuyến khích nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động chiếu sáng đô thị, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm điện. Chiếu sáng không gian công cộng, quảng cáo, trang trí phải đảm bảo các yêu cầu về ánh sáng, an toàn góp phần bảo vệ an ninh, giảm ô nhiễm môi trường... Để thực hiện các mục tiêu này cần có các giải pháp: Xây dựng và phát triển chiếu sáng đô thị, đảm bảo cung cấp đủ điện chiếu sáng các công trình giao thông, đối với các đô thị có yếu tố đặc thù, có bản sắc văn hóa riêng thì việc tổ chức chiếu sáng các không gian công cộng, các công trình kiến trúc, quảng cáo, các khu vực tổ chức lễ hội phải đồng bộ, da dạng, sử dụng năng lượng mới và tiết kiệm điện..
Về vấn đề tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng, đại diện của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico) cho biết, hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, công ty đã tiến hành các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả: Phối hợp với các ban, ngành, các chủ đầu tư tiến hành thay thế hơn 34.000 chóa đèn chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu bằng các chóa đèn chất lượng cao lắp bóng Sudium cao áp có hiệu suất phát quang cao, cải tạo trên 20 tuyến phố có hệ thống chiếu sáng lạc hậu, chiếu sáng các tuyến đường trục chính, ngõ xóm các quận, huyện trên địa bàn thành phố bằng hệ thống chiếu sáng hiện đại tiết kiệm, cải tạo thay thế các hệ thống chiếu sáng tại các vườn hoa Cổ Tân, 19-8, công viên Thống Nhất, Lê nin... Chiếu sáng trang trí cảnh quan lễ hội: Sử dụng công nghệ đèn Led nhiều màu sắc có tuổi thọ lớn, có khả năng điều khiển mức độ, màu sắc ánh sáng tốt thay thế các đèn sợi đốt truyền thống, cải tạo hệ thống cáp trục cấp nguồn cho hệ thống chiếu sáng và ứng dụng công nghệ điều khiển trong việc vận hành, kiểm soát điều khiển đóng cắt đèn giúp giảm chi phí vận hành, tăng chất lượng chiếu sáng và tiết kiệm điện năng tiêu thụ...
Quốc Hoàn
Mất điện ban đêm có lỗi của ngành điện Từ 10-6 đến nay, vào ban đêm, một số khu vực thuộc các quận nội thành Hà Nội bị mất điện ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây bức xúc trong người dân. Về vấn đề trên, chiều 15-6, phóng viên ANTĐ đã tìm hiểu tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN) và được biết: Hiện nay, để phục vụ các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, EVN đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục công trình lưới điện như thực hiện việc chỉnh trang đô thị, hạ ngầm cáp, chống quá tải đường dây và trạm biến áp nên phải cắt điện để đấu nối các công trình này vào lưới điện của thành phố. Việc cắt điện chỉ thực hiện vào ban ngày và tất cả các hạng mục cắt điện theo kế hoạch đều được thông báo trước cho khách hàng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, do Hà Nội liên tục phải đối mặt với những đợt nắng nóng, nhiệt độ ban ngày tại khu vực nội thành có hôm lên tới xấp xỉ 40 độ nên việc sử dụng điện của khách hàng cũng tăng mạnh. Ngành điện lực không có chủ trương cắt điện về ban đêm nhưng trong những ngày nắng nóng vừa qua về ban đêm vẫn xảy ra sự cố gây mất điện cục bộ tại một số địa bàn dân cư thuộc các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng… Một trong những nguyên nhân là việc sử dụng điện của khách hàng tăng cao đột biến gây quá tải lưới điện hạ thế khiến automat tại trạm biến áp bị “nhảy” gây mất điện. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến chế độ vận hành của các thiết bị điện trên đường dây và trạm biến áp truyền tải điện cũng là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố trên thiết bị gây gián đoạn việc cung cấp điện. Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ cuối năm 2009, ngành điện lực Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp chống quá tải, nâng công suất các trạm biến áp phân phối, thay đường trục hạ thế và trong những ngày nắng nóng vừa qua, các Công ty Điện lực thành viên đã huy động lực lượng vận hành lưới điện ứng trực, nhất là vào ban đêm để kịp thời xử lý nhanh các sự cố, sớm cấp lại điện cho khách hàng. Để xảy ra các sự cố mất điện về ban đêm tại một số khu vực của Hà Nội ảnh hưởng đến sinh hoạt của khách hàng trong thời gian qua, có một phần trách nhiệm của ngành điện lực Hà Nội. Đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp hữu hiệu sớm khắc phục triệt để tình trạng trên, cung cấp điện an toàn và chất lượng cho khách hàng trên địa bàn toàn thành phố. Tiến Phúc |