Xử lý tàu hút trộm cát: “Điệp khúc” bắt, thả
(ANTĐ) - Phục bắt quả tang tàu hút trộm cát đã khó, nhưng việc xử lý các tàu, thuyền vi phạm còn khó hơn nhiều. Lý do đơn giản: Hà Nội không có địa điểm nào để thu gom các tàu, thuyền vi phạm.
Lực lượng CSKT CAH Gia Lâm kiểm đếm tàu, thuyền hút trộm cát bị tạm giữ |
Bắt không xuể
Sáng 14-6, PV ANTĐ đã theo chân các lực lượng nghiệp vụ CAH Gia Lâm phục bắt các tàu, thuyền khai thác cát trái phép trên trục sông Đuống, đoạn chảy qua các xã Phù Đổng, Trung Màu, Lệ Chi và Kim Sơn. Tính đến hôm nay đã được nửa tháng, các lực lượng CAH triển khai kế hoạch kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác, vận chuyển cát đen trái phép trên hai tuyến sông Đuống và sông Hồng.
Không chỉ lực lượng CSKT, CSTT-PƯN, mà một phần biên chế của Đội CSGT đường bộ - đường sắt cũng đã được tăng cường... Bởi như Trung tá Vũ Văn Nhiên - Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV, CAH Gia Lâm thông tin, càng gần đến thời điểm trước mùa mưa lũ, nạn khai thác cát trái phép càng hoành hành mạnh. Trung tuần tháng 5, lãnh đạo thành phố về kiểm tra các tuyến đê, kè ở Gia Lâm đã ghi nhận tình trạng sạt lở đáng báo động.
Một tuần trước, Đội CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CAH Gia Lâm chủ trì, phối hợp với các đội nghiệp vụ đã bắt giữ 5 tàu, thuyền hút trộm cát trên tuyến sông Đuống. 4 trong số 5 tàu bị tạm giữ không có số hiệu, đồng nghĩa với việc không có đăng kiểm, không đảm bảo an toàn. Đa số chủ tàu là người tỉnh ngoài.
Những tưởng sau đợt quây quét đó, tình trạng khai thác cát trộm trên sông Đuống sẽ lắng xuống, nhưng không. Ngay khi rời trụ sở CAH Gia Lâm ở thị trấn Trâu Quỳ, chiếc điện thoại di động của Đại úy Hoàng Hải Long - Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CAH Gia Lâm đã rung lên bần bật. Trinh sát phục kích ở bờ sông Đuống báo về, có đến cả chục tàu, thuyền đang “vô tư” thả vòi hút cát. Hơn 20 CBCS CAH Gia Lâm chia làm 3 tổ công tác, bí mật áp sát, bao vây dọc triền sông, bắt đầu từ địa bàn xã Phù Đổng.
Một chiếc tàu dân sự hóa trang đã giúp lực lượng công an tiếp cận được gần vị trí các tàu khai thác cát trộm đang hoạt động. 3 chiếc tàu bị tóm gọn, gồm 1 chủ tàu người xã Phù Đổng, 2 chủ tàu ở Bắc Ninh. Phân công cán bộ ở lại lập biên bản, các chiến sỹ công an tiếp tục tới xã Trung Màu, Lệ Chi. Kế hoạch áp sát mau lẹ đã đạt hiệu quả cao; từ 9h đến 11h, các lực lượng CAH Gia Lâm đã bắt quả tang 8 tàu khai thác trộm cát, trong đó có 3 chủ tàu là các anh em, chú cháu với nhau, cùng quê Đáp Cầu, Bắc Ninh.
Khó xử lý triệt để
Một cán bộ Phòng CSGT đường thủy so sánh, nêu như đường bộ có các loại xe tự dóng được xếp vào nhóm “nguy cơ gây tai nạn cao” như xích lô, xe ba bánh, thì dưới sông, các tàu, thuyền không số cũng có độ nguy hiểm tương tự. Thực tế trên nhiều tuyến sông ở Hà Nội, tàu, thuyền không số tham gia khai thác cát là... khá phổ biến. Nhiều “thuyền trưởng” tàu không số không cần đào tạo bài bản, mà chủ yếu lái bằng... kinh nghiệm.
Chưa nói đến sự biến đổi thất thường của dòng chảy, bờ vở sạt lở, hay các tuyến đê, kè bị nứt do tình trạng khai thác cát tràn làn gây ra, thì chỉ riêng nguy cơ và sự nguy hiểm của những con tàu không số đã là yêu cầu bắt buộc phải xử lý triệt để đặt ra với các lực lượng chức năng.
Thế nhưng, không dễ làm được như vậy! Trước tiên là sự yếu kém của chính quyền cơ sở. Tàu, thuyền khai thác trộm cát ở đâu, chỉ ít phút là cán bộ chức năng xã, phường nơi đó nắm bắt được ngay, nhưng không nhiều nơi chủ động tổ chức xử lý. Thậm chí, ngay cả động thái báo cáo huyện, quận về hiện tượng lòng sông bị khai thác cát cũng bị “quên” nốt.
Đặt câu hỏi với cán bộ chức năng ở những địa bàn ven sông này, họ lý giải dễ dãi: “Xã không có phương tiện đi trên sông nên đành chịu”. Xã đã vậy, đến cả lực lượng chuyên trách của huyện cũng không dễ đi phục kích, xử lý tàu, thuyền hút trộm cát. Bởi, đi bắt tàu hút trộm cát thì phải sử dụng đến thuyền, canô và phải có người lái.
Trong khi đó, “điểm danh” các lực lượng ở huyện như Thanh tra GTVT, CSGT, CSTT, CSKT, hầu như không mấy ai có... giấy phép lái tàu. Mỗi đợt ra quân, lực lượng chức năng lại phải đi thuê tàu dân sự, hoặc sử dụng canô của CSGT đường thủy. Chính điều này khiến các đợt triển khai xử lý tàu hút cát không được thường xuyên, liên tục, không tạo được tính răn đe đối với các chủ tàu.
Một khó khăn dẫn đến sự thiếu triệt để trong công tác xử lý tàu, thuyền hút trộm cát, là bãi để giữ phương tiện vi phạm. Mỗi chiếc tàu dài gần 20 mét, rộng 3 mét; cả dàn thuyền, tàu vi phạm bị tạm giữ nhân ra sẽ cần đến không biết bao nhiêu diện tích mới đáp ứng đủ. Mà nào có phải giữ không, lại phải cắt cử người trông tàu, rồi kinh phí trả cho việc thuê bến giữ... Những thực tế này khiến nhiều địa bàn rất “ngại” xử lý tàu, thuyền hút trộm cát, ngay cả khi chế tài áp dụng phạt hành chính với các phương tiện này tương đối nghiêm khắc.
Gần 20 tàu, thuyền hút trộm cát bị xử lý ở huyện Gia Lâm; đó là con số không nhỏ, nhưng thực sự chưa thấm vào đâu so với đội ngũ tàu, thuyền chuyên hút trộm cát đang hoạt động lưu động ở địa bàn Hà Nội nói riêng. Một điều chắc chắn, khi bị “đánh” mạnh ở Gia Lâm, những con tàu, thuyền chuyên trộm cát khác sẽ chuyển sang địa bàn mới để hoạt động. Và lại bắt đầu “điệp khúc” bắt, thả...
Hà Minh