Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII
Chưa nên “đánh” thuế nhà ở
(ANTĐ) - Hôm qua, 21-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật thuế nhà đất. ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, sự ra đời của dự luật là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề tác động lớn tới đời sống của đông đảo người dân nên phải cân nhắc, tính toán rất kỹ trước khi ban hành.
Đánh thuế nhà, dân khó đồng thuận
Bản tập hợp ý kiến tại 17 tổ thảo luận vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến không tán thành với việc đưa nhà ở vào diện chịu thuế. Vì hiện có rất nhiều loại thuế liên quan đến nhà, nếu đánh thuế đối với nhà ở trong thời điểm này dễ phát sinh sự không đồng thuận.
Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ rõ quan điểm, đánh thuế nhà ở là không hợp lý, thuế chồng lên thuế, do người xây dựng nhà ở đã bị đánh thuế vào vật liệu xây dựng. Chỉ nên đánh thuế vào người kinh doanh nhà, không nên thu thuế nhà ở của người chỉ có một căn nhà.
ĐB Điểu K’Ré (Đắk Lắk) nhấn mạnh, tác động của dự luật tới xã hội là rất lớn nên cần tính toán kỹ. ĐB Điểu K’Ré nói: “Tích cóp mãi, có khi cả đời mới xây được nhà nay lại bắt đóng thuế nữa thì sợ dân không chịu. Phải làm rõ nhà nào dân xây để ở, nhà nào đầu cơ thì mới đảm bảo công bằng, được lòng dân.”
Trọng tài sẽ giảm tải cho tòa án (ANTĐ) - Ngày 21-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Trọng tài thương mại. Theo tờ trình của Hội Luật gia Việt Nam, trọng tài đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các thương nhân. Đồng thời, góp phần làm giảm tải hoạt động xét xử của tòa án. Thống kê tại Tòa kinh tế TAND TP Hà Nội, từ năm 2005 đến nay, số lượng vụ việc năm nào cũng tăng gấp đôi năm trước. Tương tự, Tòa Kinh tế TAND TP Hồ Chí Minh hàng năm xử từ 1.000-1.100 vụ tranh chấp kinh tế. Trong khi đó, con số vụ việc được giải quyết bởi trọng tài lại rất khiêm tốn. Trong khi VIAC - tổ chức trọng tài lớn nhất Việt Nam - chỉ tiếp nhận 30 vụ tranh chấp trong năm 2007 và 58 vụ trong năm 2008 thì mỗi thẩm phán ở Tòa kinh tế Hà Nội phải xử trên 30 vụ một năm; mỗi thẩm phán ở Tòa kinh tế TP Hồ Chí Minh xử 50 vụ một năm (mỗi trọng tài viên của VIAC chỉ xử 0,25 vụ một năm). Do đó, ý kiến của hầu hết các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Trọng tài thương mại, thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. |
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhấn mạnh: “Có nhà ở là quyền cơ bản nên phải tạo điều kiện cho người dân có nhà ở. Thực tế, để có được căn nhà, người dân phải chắt chiu, thậm chí là vay mượn, chịu lãi suất cao”.
Cho rằng “sắc thuế mới sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình”, ĐB Hường cho biết: “Hiện nay, 1/3 cán bộ công chức hiện chưa có chỗ ở, thu nhập còn thấp trong khi thêm thuế là thêm nghĩa vụ. Tôi đề nghị chưa nên thu thuế nhà ở. Nếu có, cũng phải xác định rõ thời điểm và lộ trình phù hợp, đồng thời, diện tích nhà chịu thuế cũng phải tính toán rất kỹ để phù hợp với phần đông dân chúng”.
Có trị được đầu cơ nhà đất?
Cho biết đây là vấn đề ông đã trăn trở nhiều năm, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) phát biểu: “Tình trạng đầu cơ đất tràn lan, đẩy giá đất lên cao vẫn đang diễn ra trong nhiều năm qua.
Nhiều cá nhân đã tích tụ một lượng lớn nhà đất. Trong khoảng 16 năm qua, thu nhập chỉ tăng 3 lần trong khi giá đất đô thị tăng 30-50 lần. Luật có điều tiết nổi được không?” - ĐB Trần Du Lịch đề nghị, mỗi người dân có một chỗ ở thì không nên đánh thuế. Căn nhà thứ 2 có thể đánh thuế nhưng thuế suất cũng vừa phải. Riêng đối tượng đầu cơ, phải đánh thuế thật nặng. “Không nên “đụng” tới đại bộ phận người dân mà chỉ “đánh” vào những đối tượng đầu cơ đất”.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng), nếu đặt mục tiêu là ngăn chặn đầu cơ, dự luật sẽ không thể đạt được yêu cầu như mong muốn. ĐB Hương lý giải: “Đầu cơ đất nhà thường diễn ra ở những khu đất vàng, cho lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, thuế chắc chắn không theo kịp.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường |
Các nước lân cận như Thái Lan, Nhật Bản cũng đặt ra mức thuế rất cao nhưng rút cục cũng không chống nổi đầu cơ”.
ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương cũng đánh giá thấp tính khả thi của dự luật: “Tôi đã hỏi cơ quan quản lý thuế, họ nói sẽ rất khó tính diện tích nhà phải chịu thuế. Tính theo địa bàn cũng không được vì dân đầu cơ thường mua đất, nhà ở nhiều nơi. Theo tôi, phải tốn khoảng 5 năm mới xây dựng được hệ thống quản lý đất, nhà để phục vụ việc tính thuế. Không quản lý thuế bằng tin học thì sẽ khó khả thi” - ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương nói.
Chính Trung