Tài hoa gửi lại với đời

(ANTĐ) - Nhân một năm ngày nhà thơ - nhà báo Trần Hoà Bình ra đi, bạn bè thân hữu cùng gia đình đã sưu tầm biên soạn kịp ra mắt cuốn sách đầu tiên - Tuyển tập tác phẩm Trần Hòa Bình ở NXB Hội Nhà văn như một  khúc ru muộn cho một tài hoa sớm phiêu du miền cát bụi.

Tài hoa gửi lại với đời

(ANTĐ) - Nhân một năm ngày nhà thơ - nhà báo Trần Hoà Bình ra đi, bạn bè thân hữu cùng gia đình đã sưu tầm biên soạn kịp ra mắt cuốn sách đầu tiên - Tuyển tập tác phẩm Trần Hòa Bình ở NXB Hội Nhà văn như một  khúc ru muộn cho một tài hoa sớm phiêu du miền cát bụi.

Còn nhớ như in những lần cùng ngồi với nhau nơi quán quen hay quán lạ, bạn bè thường hay hỏi Bình về chuyện đại loại: Bao giờ vào Hội Nhà văn, hay bao giờ in thơ… Bình chỉ cười mà rằng: Hãy từ từ… Anh là vậy. Không quyết liệt, không quay quắt trong bất cứ việc gì ngoài việc viết và dạy học. Từ những năm bảy mươi thế kỷ trước, đã thấy Bình in thơ trên báo, kể đã gần bốn mươi năm còn gì, thế mà tịnh không thấy làm sách.

Bình thủng thẳng viết, viết như là một cuộc chơi nhưng là cuộc chơi nghiêm túc, sang trọng… Bạn bè bao nhiêu người đã là giáo sư tiến sĩ, là hội viên đủ hội văn học nghệ thuật… Bình tài hoa ăn đứt bao người nhưng tịnh không có bất kỳ một chữ “viên” nào trong hồ sơ trích ngang, trừ cái danh giảng viên báo chí.

Bây giờ khi giở tuyển tập trần Hòa Bình dày gần nghìn trang, ta bỗng giật mình. Ta chợt thấy có lỗi vì chưa hiểu bạn. Nhiều bài báo chọn trong hàng nghìn bài báo, hàng trăm bài thơ trong đó nhiều bài hay (đâu kém gì Thêm một (?). Rồi hàng trăm bài bình luận thơ văn… Chưa nói Bình còn vẽ minh họa, vẽ tranh biếm… Lĩnh vực nào Bình hình như cũng tài hoa. Bây giờ thì tất cả anh gửi lại đời.

Kiếp phiêu du có lẽ đến chót đời của anh đã khép lại. Một năm sau anh mới có tập sách đầu tiên cho mình. Có lỗi với bạn, vì bây giờ nghĩ đến gia cảnh bạn, cảnh “gà trống nuôi con” thân trai bươn chải chốn thị thành, ta hiểu thêm sức viết và cả sự trải lòng của Bình với cuộc đời bất luận hoàn cảnh nào từ sau cái biến cố gia đình 18 năm trước…

Gần hai mươi năm ấy bình đã gồng mình lên để làm bổn phận người bố và cả “làm mẹ” của bé Hà Trang từ lúc nhỏ xíu lang thang theo bố với cái ba lô đựng đủ thứ cho một gia đình, đồng thời gần hai mươi năm ấy Bình làm nhà giáo, kiêm nhà báo. Và còn một cái “nhà” nữa Bình vẫn làm và làm thật “đẹp” là làm nhà thơ đúng nghĩa… Bằng chứng là thơ Bình vẫn in đều trên báo, và Thêm một có mặt trong không biết bao nhiêu tuyển tập, có mặt trong sổ tay không biết bao nhiêu người trẻ tuổi, qua nhiều thế hệ.

Nỗi đời thế, mà Bình vẫn viết, hơn nữa những trang viết tràn đầy tin yêu hy vọng trước cuộc đời đầy bất trắc, dù có lúc anh tự hỏi:“Hạnh phúc là gì, hạnh phúc có thật không?”… Nỗi buồn rồi cũng tan đi khi bên Bình còn có bao bè bạn, học trò. Bình đã gác lại nỗi đời để làm thầy giáo yêu đời và để làm thơ, làm báo. Tôi thầm cảm phục anh đã vượt qua thân phận và hoàn cảnh để lao động để sáng tạo. Tập  sách và di cảo của anh còn đây, ấy là tài hoa Bình gửi lại…

Cái con người mang vẻ ngoài bụi bặm ấy hóa ra là người có một tâm hồn trong trẻo đến không ngờ. Bộ đồ bò, ba lô vải bò và cặp kính cận dày cộp theo anh đi khắp nẻo đường đất nước để về với thiên nhiên với bạn bè đặng kiếm tìm cảm hứng và đề tài cho sáng tạo. Nghiêm túc trong khi viết, trong giảng dạy, có vẻ như trái ngược với phong cách vẻ ngoài của anh. Thế mới là chân dung Trần Hòa Bình. Tiếc là trái tim dung dị ấy ngừng đập quá sớm.

Thơ Trần Hòa Bình không nhiều lắm nhưng nhiều bài hay. Tiếc là Thêm một đã sớm đọng vào trí nhớ bao thế hệ nên đã đánh bại hết những gì còn lại của anh. Thêm một bắt đầu từ một câu thơ cổ: Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu (Một chiếc lá ngô đồng rụng/ Thiên hạ đã biết mùa thu đương về) nhưng đến tay Bình, anh đã mượn cái tứ ấy để  nói chuyện thế thái nhân tình: Thêm một lời dại dột/ Thể nào em bỏ đi/ Thêm một chút lầm lỳ/ Thế nào em cũng khóc và rồi chàng khéo đẩy thơ đến triết lý: Nhận thêm một thiếp cưới/ Thấy mình lẻ loi hơn/ Thêm một đêm trăng tròn/ Lại thấy mình đang khuyết… Bình đã làm được cái điều không phải nhà thơ nào cũng làm nổi đó là để lời thơ thành triết lý cho hết thảy những kẻ đang yêu và sắp yêu. Cái  ma mị có sức hút ghê gớm của thơ Bình đã làm người đọc thơ cứ ám ảnh…

Chàng nhà thơ phiêu lãng ấy từ độ một mình có lắm người con gái đem lòng thương nhớ. Nhưng hình như họ đi qua đời anh chỉ để lại cho đời những vần thơ. Lắm lúc ta thấy anh như một đế vương trong tình ái, nhưng có lúc gã như một kẻ ăn mày khi viết nên những câu thơ da diết: Ta thương em mà không sao thưa được/ Ta nhớ em mà không sao nói được/ Sen ngủ trong bình em thức trong ta (Hát ru hoa sen).

Dù là đế vương hay có lúc  ăn mày trong tình ái, gã vẫn viết nên những câu thơ mang gương mặt người tình: Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ!/ Ai trong đời chẳng có một Khau Vai (Khau Vai) Và Nếu em yêu chồng thì thôi/ Nếu không yêu chồng /đêm quay nhìn song cửa/ Vía chúng ta tìm nhau trong ngôi sao lẻ/ Giọt nước mắt gieo ngân ngấn cuối trời… (Bắt chước dân ca H’mông).

Trong đời người làm thơ, có được một Khau Vai, hay một Hát ru hoa sen cùng với Thêm một... được bạn đọc mê mẩn, hỏi ai chả mơ được như vậy? Thơ anh như những khúc ru hát trên đường phiêu du. Hàng trăm bài thơ như vậy. Hát để ru mình, ru người và đó là những khúc lòng của một kẻ lãng du khát yêu đến chết…

Anh xứng đáng là nhà thơ đúng nghĩa, dù bây giờ Bình đang phiêu du miền miên viễn. Hãy bầu chọn cho thơ Bình và nếu có giải Nhất cho thơ tình hiện đại, hãy truy tặng cho anh…

Tân Linh