Tụt hạng về môi trường kinh doanh

(ANTĐ) - Mặc dù được đánh giá tốt trong việc nỗ lực cắt giảm thuế và tạo điều kiện tốt hơn cho thương mại quốc tế nhưng Việt Nam vẫn bị tụt hạng từ vị trí 91 của năm 2009 xuống vị trí 93 trong số 183 nền kinh tế năm 2010. Đây là xếp hạng về môi trường kinh doanh của Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa công bố sáng qua 9-9.

Tụt hạng về môi trường kinh doanh

(ANTĐ) - Mặc dù được đánh giá tốt trong việc nỗ lực cắt giảm thuế và tạo điều kiện tốt hơn cho thương mại quốc tế nhưng Việt Nam vẫn bị tụt hạng từ vị trí 91 của năm 2009 xuống vị trí 93 trong số 183 nền kinh tế năm 2010. Đây là xếp hạng về môi trường kinh doanh của Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa công bố sáng qua 9-9.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước

Cần nỗ lực cải cách

Lý giải vấn đề nêu trên, bà Sylvia Solf, Giám đốc Chương trình Dự án Môi trường Kinh doanh, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mặc dù Việt Nam đã rất nỗ lực nhưng các nước khác đã có sự cải cách nổi bật hơn Việt Nam.

Theo báo cáo, Việt Nam đã cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25% và loại bỏ thuế thu nhập bổ sung đối với hoạt động chuyển nhượng đất đai. Ngoài ra, gia tăng cạnh tranh trong ngành công nghiệp hậu cần và việc áp dụng các thủ tục hải quan mới (nằm trong khuôn khổ chương trình cải cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO) cũng góp phần giảm bớt chậm trễ trong hoạt động thương mại quốc tế. Về tổng thể, Việt Nam đứng thứ 93 trong bảng xếp hạng năm nay, không thay đổi nhiều so với thứ hạng 91 của năm ngoái.

Một vấn đề được quan tâm trong báo cáo Môi trường Kinh doanh 2010 là vấn đề bảo vệ nhà đầu tư. “Xếp ở vị trí thấp là 172 đã cho thấy khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực này không rõ ràng. Ví dụ như nếu có xung đột về lợi ích giữa thành viên hội đồng quản trị và cổ đông nhỏ khi phát sinh giao dịch bất thường thì rất khó trong việc truy cứu trách nhiệm. Nhóm Dự án Môi trường Kinh doanh không tìm thấy trong môi trường pháp lý của Việt Nam về vấn đề này. Vì vậy, để thu hút hơn nữa nhà đầu tư, Việt Nam cần phải cải cách hơn nữa khung pháp luật sao cho chặt chẽ hơn, thủ tục gọn nhẹ hơn”, bà Sylvia Solf cho biết.

Kinh nghiệm từ những nước trong khu vực

Nhờ những nỗ lực cải cách của mình, Indonesia là quốc gia cải cách tích cực nhất trong khu vực trong năm nay đã chuyển từ vị trí 129 lên 122 trong bảng xếp hạng các môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu. Singapore, quốc gia luôn kiên trì cải cách, là nền kinh tế dẫn đầu bảng xếp hạng các môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu lần thứ 4 liên tục.

Thái Lan đã đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp và nhờ thế đứng ở vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Trung Quốc đã giúp các hoạt động kinh doanh thương mại của các công ty trong nước dễ dàng hơn bằng cách giảm nhẹ các quy định về tín dụng thương mại.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh đã xếp hạng 183 nền kinh tế dựa trên 10 nhóm quy định kinh doanh; tính toán thời gian và chi phí mà một doanh nghiệp trong nước phải bỏ ra để đáp ứng được các quy định kinh doanh như thành lập và vận hành doanh nghiệp, giao dịch thương mại quốc tế, nộp thuế... 

Hùng Anh