Cơ hội cho các tân cử nhân
(ANTĐ) - Tháng 6, mùa thi, cũng là mùa sinh viên tốt nghiệp ra trường. Câu chuyện việc làm và nghề nghiệp hơn bao giờ hết lại trở thành nỗi trăn trở đối với hầu hết các sinh viên. Nắm bắt được yêu cầu đó, nhiều trường đại học đã liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức những buổi tọa đàm, ngày hội nghề nghiệp giúp sinh viên có kinh nghiệm và những kỹ năng khi xin việc. Tuy nhiên về phía sinh viên thì dường như vẫn chưa thực sự trang bị cho mình những bước đi thật hiệu quả để rút ngắn khoảng cách với nhà tuyển dụng.
Hành trang cho sinh viên
Vừa qua, tại trường ĐHKHXH và NV (ĐHQG Hà Nội) đã có buổi tọa đàm về chủ đề “Sinh viên với kỹ năng tìm kiếm việc làm và thành đạt trong công việc” thu hút hàng trăm sinh viên. Tham gia buổi tọa đàm có nhà báo Nguyễn Lưu - nguyên Tổng Biên tập báo Đầu tư, bà Vũ Thị Bích Hợp - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD); ông Bạch Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Alphanam ICT; bà Dương Quỳnh Ngọc - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Nguồn lực Việt; bà Lê Thị Thanh Bình - chuyên viên tư vấn giới thiệu việc làm báo Lao động; PGS. TS. Nguyễn Hữu Thụ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Tâm lý.
Tại buổi tọa đàm, rất nhiều vấn đề có ý nghĩa thiết thực được đưa ra như các nhà tuyển dụng nói yêu cầu về năng lực và phẩm chất đối với một ứng viên, những lời khuyên về cách làm một hồ sơ xin việc ấn tượng, các kỹ năng tâm lý cần thiết, cách trả lời những câu hỏi thường gặp của các nhà tuyển dụng.
Với các bạn sinh viên thì điều mà họ băn khoăn là giữa bằng cấp và kinh nghiệm. cái nào quan trọng hơn? Làm thế nào để họ có kinh nghiệm khi các nhà tuyển dụng đều yêu cầu kinh nghiệm mà họ thì mới ra trường? Sinh viên các ngành khoa học xã hội phải chăng khó xin việc hơn các ngành khác…
Nhiều sinh viên được mời lên tham dự cuộc phỏng vấn nhưng đáng tiếc là hầu hết họ đều thiếu những kỹ năng cần thiết để có thể kết thúc buổi phỏng vấn một cách tốt đẹp.
Không chỉ trường ĐHKHXH và NV mà rất nhiều trường đại học khác như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương… cũng tổ chức ngày hội nghề nghiệp với mục đích trang bị cho sinh viên những lời khuyên chân thành nhất, những kinh nghiệm để có thể tìm việc và thành công trong công việc.
Nói như bà Tô Thị Hiền, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên trường ĐHKHXH và NV thì: Dù buổi tọa đàm chỉ diễn ra trong một buổi sáng nhưng những kiến thức và kỹ năng mà sinh viên lĩnh hội được thì rất quan trọng. Các bạn sinh viên sẽ sớm tìm được việc làm nếu biết cách hiện thực hóa những lời khuyên của các chuyên gia có kinh nghiệm.
Hoạt động này chúng tôi đã tổ chức từ nhiều năm nhưng hiếm năm nào hiệu quả như năm nay, sinh viên đến chật kín hội trường và không có trường hợp nào bỏ về giữa chừng. Có thể nói đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa thiết thực với sinh viên năm cuối mà cả sinh viên bắt đầu bước vào giảng đường đại học.
Chúng tôi cũng dự kiến vào ngày 25-6 sắp tới, ngày sinh viên nhận bằng đại học sẽ tổ chức ngày hội việc làm với sự tham gia của khoảng 25 công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên nhà trường chỉ có thể trang bị kiến thức, giúp sinh viên có những cơ hội để tiếp cận với doanh nghiệp, hành trình còn lại thì các bạn phải tự bước bằng chính đôi chân của mình.
Sinh viên chuẩn bị được những gì?
Mặc dù đã được trang bị những kiến thức cơ bản trong 4 năm học đại học song có một thực tế là rất nhiều sinh viên ra trường không xin được việc hoặc phải đi làm trái nghề, hoặc không thể trụ vững với công việc. Theo thống kê của Trung ương Đoàn, có đến 50% sinh viên ra trường không xin được việc làm.
Bên cạnh những yếu tố mà sinh viên hay nói đến như nhà trường đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, lý thuyết nặng hơn thực hành thì một yếu tố đóng vai trò tiên quyết, ấy chính là bản thân sinh viên chưa thực sự cố gắng. Bạn Nguyễn Hương Ly, trường ĐH Luật bộc bạch: Các chuyên gia nói rằng cần phải thành thạo Tiếng Anh và Tin học nhưng thú thật là không chỉ tôi mà ngay cả bạn bè tôi cũng không thể có được kỹ năng ấy.
Hiện nay rất nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam và có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng đòi hỏi đầu tiên của họ là ngoại ngữ. Điều này thì chúng tôi “đầu hàng”. Để tìm được việc, chúng tôi chỉ còn biết trông chờ vào sự giúp sức của gia đình.
Đó có lẽ là suy nghĩ của rất, rất nhiều các bạn sinh viên đã và đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Sự năng động, tự tin, bản lĩnh dường như vẫn là một thiếu hụt, khoảng cách lớn giữa sinh viên chúng ta và các bạn bè quốc tế. Những phẩm chất và kỹ năng đó nhiều khi còn quan trọng hơn cả những con số trên bảng điểm của các bạn.
Huyền Khánh