Ngành giấy cần thay đổi
(ANTĐ) - Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng giấy in báo, giấy in sách, giấy viết... nhập từ các nước trong khối ASEAN, từ 3% lên 5%. Đề nghị này chưa thống nhất được ý kiến của các bộ ngành liên quan.
Trước đó, ngày 10-2-2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với giấy in báo từ 20% lên 29%, giấy in sách, giấy viết từ 25% lên 29% đối với các nước trong khối WTO. Tăng thuế nhập khẩu là động thái cần thiết để bảo vệ nền sản xuất trong nước trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhằm hạn chế sức cạnh tranh của hàng nội và hàng ngoại.
Tuy nhiên, việc làm này có thể tạo ra tác động không mong muốn đối với những đối tượng tiêu dùng trực tiếp mặt hàng này, bao gồm: học sinh, sinh viên... Gánh nặng tăng giá sách, báo, giấy viết sẽ đè nặng thêm lên vai các phụ huynh của 22 triệu học sinh, sinh viên... trong đó có không ít người đang lâm vào cảnh khó khăn do mất việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp.
Lý do Bộ Công Thương đưa ra đề nghị này xuất phát từ thực tế, lượng giấy tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất giấy là rất lớn (khoảng 100.000 tấn). Một số dây chuyền sản xuất giấy cũng đã ngừng hoạt động, ngành giấy đang đứng trước một tình cảnh khó khăn và cần được bảo vệ. Theo một đại diện của Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông, sở dĩ đề nghị này chưa được thông qua bởi đã đến lúc ngành giấy trong nước phải biết “vượt qua chính mình”, thoát khỏi sự yếu kém, ỷ lại để cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Ngành giấy đã có “truyền thống” lâu năm là thiếu và yếu nên không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Họ tự biện hộ cho sự yếu kém này với nhiều lý do, song theo nhận định của nhiều người, nguyên nhân cơ bản nhất là nhà sản xuất và phân phối giấy đã không làm tốt chính sách bán hàng, không nhạy bén trước cơ chế thị trường nên không đáp ứng được đòi hỏi ngày càng khắt khe của khách hàng.
Ngay trong cơ chế cạnh tranh khắc nghiệt, giá giấy sản xuất trong nước vẫn cao hơn giấy nhập khẩu 1 triệu đồng/tấn. Nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục nhập giấy theo mức thuế tăng thêm hoặc mua giấy nội địa với giá cao hơn thì việc mua sách vở cho các con học hành của các bậc phụ huynh là điều đáng phải quan tâm.
Câu chuyện của ngành dệt may, đồ gia dụng, điện tử... chao đảo và xin được “cấp cứu” từ Chính phủ bởi phải cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của nước ngoài khi nước ta gia nhập WTO cũng tương tự như câu chuyện ngành giấy hôm nay. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các ngành sản xuất khác đã biết tự vươn lên, tìm cách cạnh tranh với hàng ngoại nhập bằng giá cả, chất lượng và uy tín. Ngành giấy cũng cần phải thay đổi như thế, để vững trên thị trường, duy trì được sản xuất kinh doanh và phục vụ lợi ích người tiêu dùng trong nước một cách tốt nhất.
Thanh Hoàn