BHYT toàn dân: Cần có chính sách hỗ trợ với từng đối tượng
(ANTĐ) - Hôm qua (18-9), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Tại hội nghị, đa số các đại biểu đã tán đồng quan điểm của dự thảo luật cũng như của ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc sẽ thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014.
Về vấn đề quản lý quỹ BHYT, ông Lê Văn Điềm - Giám đốc BV Xanh Pôn cho rằng, quỹ BHYT không nên quy về một mối mà nên giao cho địa phương quản lý. Trong trường hợp quản lý quỹ tốt sẽ tạo ra được nguồn kết dư quỹ BHYT, các địa phương được sử dụng nguồn quỹ kết dư đó để bổ sung, mua sắm trang thiết bị, thuốc… phục vụ công tác khám chữa bệnh (KCB). Hơn nữa, nếu chỉ tập trung về cơ quan Bảo hiểm xã hội, khi cần quyết toán rất khó.
Quy định về tăng mức đóng BHYT (từ 3% lên 6% lương cơ bản) của dự thảo luật được các đại biểu nhất trí cao. Song với quy định cùng chi trả, bà Hỷ Kỳ Phoóng - Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi Hà Nội cho rằng, chỉ nên áp dụng 2 mức 0% và 20% để hạn chế sự rườm rà về thủ tục hành chính và đỡ mất thời gian.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, đại diện Hội Luật gia thành phố Hà Nội thì có ý kiến, quy định cùng chi trả chưa nên áp dụng ngay, tốt nhất đợi đến khi lộ trình BHYT toàn dân được thực hiện, với lý do: Có tới 20% đối tượng thực hiện Luật BHYT được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT (người nghèo, chính sách…), nếu bắt cùng chi trả sẽ gây khó khăn cho họ. Nếu có thực hiện ngay thì cũng chỉ nên áp dụng với những người bệnh sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao.
Một vấn đề nữa rất được các đại biểu Quốc hội thành phố quan tâm, đó là BHYT cho nông dân. Theo ông Lê Văn Điềm, nước ta có tới 80% là nông dân, đa số họ không có điều kiện đóng BHYT, do đó Nhà nước nên đề ra một mức hỗ trợ cụ thể nào đó cho họ để đảm bảo thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng cho rằng, nên quy định mức tối thiểu Chính phủ hỗ trợ cho nông dân là bao nhiêu. Phải có trần hỗ trợ cụ thể, chứ quy định chung chung như trong dự thảo Luật BHYT thì rất khó áp dụng.
Đặc biệt, nhiều đại biểu cũng cho rằng, nên quy định nơi đăng ký KCB ban đầu ở cấp phường, xã, sau đó nâng dần lên các tuyến cao hơn. Điều này sẽ giúp giảm quá tải ở các BV lớn, BV tuyến trên do số người có BHYT tập trung về.
Một đại biểu nêu ví dụ, nhiều khi có đến 3.000-4.000 thẻ BHYT xếp hàng chờ KCB ở một cơ sở, chả khác nào xếp hàng chờ mua hàng trong thời kỳ bao cấp, mà BV đó thì không quản lý được số người khám thẻ...
Từ những ý kiến đóng góp trên, bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, sẽ báo cáo những ý kiến đóng góp trên của đại biểu Hà Nội để Quốc hội xem xét, điều chỉnh trong kỳ họp tới.
Tiến Hưng