- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến số lượng các vụ đánh nhau có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết ?
- PGS.TS Đại tá Nguyễn Minh Đức: Theo tôi, điều đó xuất phát từ việc một số người do bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, tiếp xúc với phim ảnh bạo lực quá nhiều… nên dần hình thành lối sống bạo lực, coi thường pháp luật, chuyên giải quyết mọi việc bằng “nắm đấm”. Bên cạnh đó, chế tài áp dụng đối với người có hành vi này còn nhẹ, trong một số trường hợp việc xử lý còn thiếu công bằng. Hơn nữa, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân cũng còn nhiều hạn chế…
- Đâu là nơi dễ xảy ra các vụ việc này, thưa ông?
- Nó có thể diễn ra ở khắp nơi, trong các gia đình, cơ quan, quán bia đến ngoài đường… song nhiều nhất là ở những nơi công cộng, tại các lễ hội… trong dịp lễ, Tết. Ở các điểm này, do số người tụ tập thường lớn nên dễ xảy ra va chạm về giao thông, cơ học (giẫm đạp, thậm chí là vô tình nhổ nước bọt, xì mũi vào nhau) hoặc chỉ vì một ánh nhìn thiếu thiện cảm của người lạ cũng rất dễ phát sinh ức chế với người khác, đặc biệt khi trong người đang có hơi men…
- Trong trường hợp chứng kiến một người có (hoặc có nguy cơ) sử dụng hành vi bạo lực với người khác hoặc với mình, người dân cần phải làm gì ?
- Khi thấy một cá nhân hoặc nhóm người nào đó có hiện tượng chuẩn bị lao vào đánh nhau, những người có mặt cần tìm cách làm dịu căng thẳng ngay lập tức như tách hai bên ra xa nhau, yêu cầu người có lỗi nhanh chóng nhận lỗi, tìm cách khuyên giải bên bị hại, đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền nơi gần nhất để có sự can thiệp kịp thời nếu thấy tình hình không có chuyển biến tốt. Tuyệt đối không được có hành vi cổ vũ, reo hò, kích động hai bên.
Còn trong trường hợp người khác hùng hổ lao vào tấn công mình, ngoài việc phòng vệ chính đáng, nạn nhân cũng cần hô hoán để những người xung quanh giúp đỡ. Nếu người bị tấn công là người thứ ba, những người xung quanh có nghĩa vụ phải bảo vệ, giúp đỡ chứ không phải thờ ơ đứng nhìn, coi như không phải việc của mình…
- Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Điều 102 Bộ Luật hình sự quy định: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Theo quy định này, nếu kết quả xác minh, điều tra của CQĐT khẳng định, những người này thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì tùy vào tính chất, mức độ, hành vi… mà những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về phía cơ quan chức năng, để phòng ngừa, giảm thiểu những vụ gây gổ, đánh nhau cần phải có những biện pháp gì ?
- Đối với hành vi đánh nhau, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Nhà nước đã có các quy định về xử lý hành chính và hình sự. Mặc dù việc xử lý hình sự, răn đe các đối tượng tham gia đánh nhau sẽ gặp nhiều khó khăn do vụ việc thường được giải quyết bằng sự tự dàn xếp giữa hai bên, song để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cơ quan chức năng cần sử dụng công cụ hữu hiệu này xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật tới người dân để họ hiểu rằng tham gia đánh nhau, cổ vũ cho việc đó hay bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn không chỉ trái đạo đức mà còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Về phía lực lượng công an, lực lượng bảo vệ chuyên trách phải làm tốt công tác quản lý đối tượng, thường xuyên tuần tra kiểm soát tại nơi công cộng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những cá nhân có bản tính hung hãn, thường xuyên có hành vi gây gổ, đánh nhau…
- Xin cảm ơn ông !