Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy:
Muốn về quê hương lập nghiệp
(ANTĐ) - Sau những buổi công diễn ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội như lời chào thân mật mà anh muốn gửi đến những người yêu nhạc cổ điển tại Hà Nội, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy đang đón đợi một cái Tết Việt theo cách của riêng mình.
- PV: Sau nhiều năm xa quê hương và đi biểu diễn ở nhiều nơi, giờ trở về nước anh thấy quê hương mình thế nào?
- Bùi Công Duy: Nói theo cách hình tượng là chúng ta đang “chuyển mình”. Những người trở về như chúng tôi đều rất ngạc nhiên và cảm thấy vui mừng trước sự phát triển của đất nước mình.
- PV: Anh đã làm việc ở môi trường các nước châu Âu, anh thấy có sự khác biệt gì không?
- Bùi Công Duy: Môi trường làm việc của chúng ta tất nhiên là khác nhiều so với châu Âu. Đặc điểm của các nước châu Á là rất náo nhiệt... còn các nước châu Âu thì thường rất yên bình.
- PV: Và anh muốn về nơi ồn ào náo nhiệt này để làm việc lâu dài?
- Bùi Công Duy: Vâng, tôi mong muốn về quê nhà làm việc từ lâu. Sang Nga, nhưng mỗi khi có lời mời về nước biểu diễn thì hiếm khi tôi từ chối. Những chương trình biểu diễn giao hưởng hàng năm, chương trình hòa nhạc mùa hè, “Giai điệu mùa thu”... tôi đều có mặt.
- PV: Anh thấy hoạt động âm nhạc cổ điển tại HN thế nào?
- Bùi Công Duy: Không nên so sánh, bởi sẽ khập khiễng. Mỗi nơi có một đặc thù riêng mà mình ở giai đoạn này vẫn là nước đi sau nên để thực sôi động thì rất là khó. ở phương Tây họ chuyên nghiệp lâu rồi còn mình vẫn trong giai đoạn tìm tòi... Tôi thì luôn thấy tương lai của ngành violon có thể phát triển tốt, nhiều học sinh đã bộc lộ những tiềm năng... Tuy nhiên cần phải có thời gian, qua quá trình rèn luyện mới có thể đánh giá được.
- PV: Nhiều nghệ sĩ trẻ VN đi học nước ngoài đã thành danh nhưng hầu hết ở lại “xứ người”. Anh nghĩ sao về điều này?
- Bùi Công Duy: Phải gọi đây là một nỗi đau. Chúng ta cần người đi để học hỏi, nhưng đi phải về nước chứ ai cũng đi luôn như vậy là một thiệt thòi lớn khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, cần phải có một sự tác động nào đó lôi kéo những tài năng, chất xám trở về.
- PV: Vậy theo anh sự tác động đó là gì?
- Bùi Công Duy: Cần có chính sách cụ thể cho những người làm nghệ thuật, bởi đây là một nghề hết sức gian khổ, mất nhiều năm rèn luyện mới có thể biểu diễn được nên cần phải được đánh giá đúng mực.
Và cần phải đầu tư đào tạo ngay từ nhỏ. Ngay ở bên Nga họ rất chú trọng việc chăm chút cho các mầm non nghệ thuật và tạo mọi điều kiện để các em học hành.
Bằng cách là thường xuyên tổ chức các cuộc thi lớn nhỏ để các em được lên sân khấu biểu diễn vì ngành này cứ học và chỉ đánh đàn ở nhà khác nào một họa sĩ không có galery chỉ để treo tranh ở nhà và tự ngắm.
- PV: Hiện anh là giảng viên của Nhạc viện, anh sẽ truyền cho học trò của mình những điều gì?
- Bùi Công Duy: Tôi sẽ chăm chút hết lòng và sẽ truyền đạt hết những gì tôi có (cười).
- PV: Anh đã có một mái ấm riêng, vậy, gia đình có ảnh hưởng tới công việc biểu diễn của anh?
- Bùi Công Duy: Vợ tôi là con gái của nhạc sĩ Phú Quang hiện cũng là giảng viên của Nhạc viện Hà Nội, chúng tôi đều từ Nga trở về. Có chung một niềm đam mê và mong muốn được đóng góp ở quê nhà nên chúng tôi có nhiều thuận lợi. Tôi cũng thường trao đổi với “bà xã” về chuyên môn, quả thực tôi thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
- PV: Anh chị sẽ đón Tết ở Việt Nam chứ?
- Bùi Công Duy: Tết tôi thường dành thời gian cho riêng mình. Có thể tôi sẽ chọn một nơi nào đó để đến và đón Tết theo cách riêng của mình.
Khương Cường
(Thực hiện)