Sức ép
(ANTĐ) - Dư luận vừa qua lại xôn xao về câu chuyện một sinh viên của trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh bị ngã từ tầng 2 xuống đất vì lo ôn thi. Chỉ vì quá căng thẳng trước thi học kỳ nên thần kinh của sinh viên này có hiện tượng bị rối loạn và tê liệt rồi cơ thể tự rơi xuống đất trong tình trạng không làm chủ được hành vi làm vỡ đốt sống lưng, liệt tứ chi.
Rất may, do được gia đình sớm phát hiện và đưa vào bệnh viện cấp cứu nên sinh viên này đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp học sinh, sinh viên bị sức ép về kết quả học tập.
Còn nhớ cách đây không lâu, ở một huyện của tỉnh Hải Dương đã xảy ra hiện tượng tự tử tập thể của một nhóm học sinh cấp II. Căn cứ vào lá thư tuyệt mệnh của những cô học sinh xấu số, thì nguyên nhân dẫn đến hành động của họ chính là do bị cha mẹ mắng chửi và sức ép từ việc học hành.
Nhìn lại thực tế nền giáo dục hiện nay cho thấy, sức ép của việc học hành được hình thành ngay từ khi các em học sinh mới chập chững bước vào cấp tiểu học, thậm chí từ những lớp mẫu giáo. Người ta không lấy làm lạ khi tỷ lệ học sinh, sinh viên đeo kính ngày càng gia tăng, rồi tình trạng cặp sách to hơn người với những trẻ em lớp 1, lớp 2...
Dư luận đã nói nhiều về những tiêu cực trong ngành giáo dục và ngành này cũng đã có những điều chỉnh khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc quan tâm đến sức nặng và tâm sinh lý của các học sinh, sinh viên cũng còn bộc lộ nhiều thiếu sót.
Câu chuyện trên đã phần nào nói lên điều này. Cần có sự điều chỉnh đồng bộ hơn, thiết thực hơn nữa trong việc xây dựng các chương trình giáo dục, nhất là tâm sinh lý lứa tuổi để làm sao, sức ép của việc học tập không quá nặng để hạn chế những hậu quả đau lòng.
Bảo Trọng