Bất động sản “bất động”?

(ANTĐ) - Càng đến cuối năm, có thể nghe rất rõ những tiếng... rậm rịch từ trong lòng đất Hà Nội và TP.HCM dội lên. Có cảm giác đo được nhiệt độ “cơn sốt” nhà đất ở các dự án cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp và đất xây dựng nhà ở riêng lẻ ở một số khu vực tăng lên từng ngày.

Bất động sản “bất động”?

(ANTĐ) - Càng đến cuối năm, có thể nghe rất rõ những tiếng... rậm rịch từ trong lòng đất Hà Nội và TP.HCM dội lên. Có cảm giác đo được nhiệt độ “cơn sốt” nhà đất ở các dự án cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp và đất xây dựng nhà ở riêng lẻ ở một số khu vực tăng lên từng ngày.

Cú “sốt” này tuy mang tính cục bộ, chỉ xảy ra ở một vài phân khúc thị trường bất động sản, nhưng báo chí và các nhà hoạch định chính sách đã lên tiếng phải mau chóng tìm “thuốc hạ sốt”. Mấy năm nay thị trường này trong tình trạng “đóng băng” nhưng chưa mấy ai nói đến biện pháp làm cho băng tan.

Nguyên nhân “sốt” nhà đất đang... hầm hập được lý giải là do cung - cầu mất cân đối và tình trạng đầu cơ, do vậy cần phải “đánh” đầu cơ bằng thuế nhà đất. Bộ Xây dựng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành thuế nhà đất lũy tiến đối với nhà đất vượt định mức, không đưa vào sử dụng.

Đây có phải là đã “bắt” trúng bệnh và kê đúng thuốc? Giá nhà đất ở Hà Nội và TP.HCM sẽ còn tăng vọt. Nó phù hợp với quy luật thị trường khi cung lớn hơn cầu. Nó càng phù hợp với quy luật đầu tư phát triển kinh tế và đô thị hóa.

Dẫu vậy, “căn bệnh” đầu cơ và liệu pháp trị đầu cơ bằng  thuế nhà đất lũy tiến cần được “mổ xẻ”. ở những khu vực nhà đất “nóng giẫy”, người ta chen chúc, xô đẩy tranh nhau mua, giá tăng “hoa mắt”, có phải là triệu chứng đầu cơ?

Nếu tất cả những người chen lấn nhau để nộp tiền đều có mơ ước được ghi tên mình vào danh sách “vàng” mua nhà với giá trên 2.000 USD/m2, tăng gấp rưỡi, gấp đôi cách nay vài tháng, đều là kẻ đầu cơ thì hóa ra họ “ngây thơ” đến mức hành động trái quy luật “mua lúc rẻ bán lúc đắt” sao?

Cứ cho rằng tâm lý “bầy đàn” khiến người ta chấp nhận mua cả lúc đắt để bán vào lúc đắt hơn, nghĩa là vẫn thu lợi bằng kiểu “mua đi bán lại” thông thường, thì câu hỏi cần trả lời là: Tại sao các chủ đầu tư đang thực hiện các dự án lớn, các nhà kinh tế “lõi đời” không nhảy vào đầu cơ, chớp cơ hội bộn tiền?

Tại sao họ phải bán vội từng phần công trình đang dở dang với giá hiện đã cao nhưng nay mai còn cao ngất trời? Có một cách giải thích là, hiện nay các chủ đầu tư phải bán từng căn hộ chưa hoàn thiện là vì họ rất “đói” vốn đầu tư, cần huy động thêm tiền. Xét theo bản chất sự việc chứ không nên vội vàng quy chụp qua biểu hiện bên ngoài.

Việc áp dụng thuế đất lũy tiến để chống đầu cơ, cụ thể là chống tích trữ nhà đất, cần nói ngay rằng mục tiêu này hoàn toàn không tương xứng với việc ban hành một sắc thuế nhà đất mới.

Bởi vì nó chỉ nhằm “cắt cơn sốt” nhà đất, mà chưa chắc đã trị được tận gốc, trong khi bản thân nó cũng giống như các sắc thuế khác đều là những bộ phận có vị trí quan trọng riêng trong hệ thống công cụ quản lý của Nhà nước.

Thuế nhà đất phải trở thành chính sách của Nhà nước trong phân phối hợp lý hoa lợi thu được từ đất như một tài nguyên quốc gia, là công cụ của Nhà nước để quản lý nhà đất, bảo đảm kiểm soát và khuyến khích sử dụng nhà đất hợp lý, có hiệu quả.

Nếu chỉ bó hẹp trong mục tiêu chống đầu cơ như đề xuất của Bộ Xây dựng, tất yếu sẽ dẫn tới những quy định “trói buộc” về sở hữu và sử dụng nhà đất đi “ngược chiều” quy luật tích tụ đất đai trong quá trình công nghiệp hóa, gây trở ngại cho việc sử dụng nhà đất như vàng; không nên quên rằng, thuế nhà đất lũy tiến không chỉ áp dụng cho cá nhân mà cho cả doanh nghiệp.

Không lẽ doanh nghiệp quy mô càng lớn thì sẽ phải nộp thuế càng cao hay sao? Ngay với cá nhân, thật là phức tạp, rối rắm vì phải định nghĩa rõ ràng và thuyết phục mọi trường hợp coi là đầu cơ, coi là không sử dụng, mọi hạn mức để làm cơ sở tính lũy tiến.

Nhiều loại thuế có những quy định tương tự không dễ thực hiện. Nếu không cân nhắc kỹ sẽ đẩy thị trường bất động sản vào tình thế “bất động”.

Đan Thanh