Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế có nói rằng, việc tăng phí dịch vụ y tế sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, đối tượng chính sách. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân làm cho mục tiêu 80% dân số tham gia BHYT vào năm 2020 còn xa vời là do tâm lý người dân chưa thấy được cái lợi khi họ vẫn phải trả thêm nhiều chi phí dù đã có thẻ BHYT. Tại cuộc hội thảo “Nâng cao năng lực xây dựng chính sách BHYT” mới diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến đã chỉ ra những bất cập như việc thanh toán, đồng chi trả viện phí (5%), định suất khám chữa bệnh…
Một Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, vướng mắc hiện nay là quá trình xây dựng chính sách BHYT. Chất lượng dịch vụ y tế và thủ tục khám chữa bệnh cho người có BHYT còn rườm rà, thể hiện rõ nhất ở khâu chuyển tuyến, chuyển viện và đăng ký khám ban đầu gây khó khăn, phiền toái cho người bệnh. Mặt khác, việc thanh toán BHYT không thực hiện theo hình thức “gói bệnh”, các bệnh viện đang phải thanh toán theo từng ca bệnh. Tại cuộc hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, quy định người bệnh BHYT phải cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám chữa bệnh có tác động lớn tới người bệnh nhất là người nghèo. Theo một nghiên cứu vừa được Bộ Y tế công bố, tỷ lệ người nghèo bị bệnh không điều trị chiếm tới 40% mà nguyên nhân do khó khăn về tài chính chiếm 50% trong số đó.
Đáng quan tâm là, người nghèo khám BHYT chỉ đạt 2,9 lượt/năm, còn người khá giả là 4,7 lượt/năm, trong khi người nghèo thường ốm đau nhiều hơn. Điều này chứng tỏ người khá giả vẫn được hưởng lợi nhiều hơn. Bằng chứng cụ thể là hiện có tới 60% hộ nghèo mắc nợ BHYT do chi phí khám chữa bệnh phát sinh từ khoản 5% đồng chi trả viện phí. Nhiều chuyên gia nhận định, dù chỉ 5% nhưng cũng là quá sức đối với thu nhập của người nghèo, nhất là khi họ mắc bệnh hiểm nghèo, phải chữa trị tốn kém. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, các bệnh viện tuyến trung ương chỉ chiếm 3,4% tổng lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, song lại chiếm 21,5% tổng chi phí Bộ Y tế bỏ ra, trong khi tuyến huyện chiếm tới 42% số lượt bệnh nhân nhưng chi phí chỉ chiếm 27,5%. Hơn thế, người dân vùng sâu, khó khăn chỉ được khám chữa bệnh tại y tế cơ sở, chỉ được chi trả vài trăm nghìn đồng/lần. Còn ở thành phố, số tiền chi lên tới vài chục triệu đồng/lần.
Những số liệu khái quát trên cho thấy, vùng dân cư nghèo cần được khám chữa bệnh nhiều hơn thì lại ít được quan tâm, dịch vụ thiếu thốn. Vùng dân cư khá và giàu lại được hưởng nhiều hơn, tiêu tốn nhiều hơn. Cả nước hiện còn 6 triệu lao động trong doanh nghiệp và 74% người cận nghèo chưa tham gia BHYT. Luật BHYT đặt tham vọng “phủ rộng” toàn dân, song quan trọng nhất là phải phù hợp với mức sống thấp, thu nhập của người dân để họ tích cực tham gia. Nếu không sẽ chỉ là người nghèo “trợ cấp ngược” cho người giàu, nước vẫn chảy chỗ trũng như hiện nay.